Doanh nghiệp tìm vốn rẻ, vốn rẻ cũng cần tìm doanh nghiệp

11/06/2023 13:39

Theo báo cáo tình hình KT-XH của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 88.000 doanh nghiệp, ngừng hoạt động, nghĩa là bình quân một tháng có xấp xỉ 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Những con số biết nói này đang chờ đợi một nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm vực dậy các doanh nghiệp vốn là xương sống của nền kinh tế

null

Lãi suất đã giảm, nhưng doanh nghiệp còn chờ cơ hội tiếp cận

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành từ ngày 25/5/2023. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Động thái này được kỳ vọng là sẽ gỡ dần khó khăn của doanh nghiệp khi không còn phải vay vốn giá cáo, trong khi giá nguyên nhiên vật liệu và mọi chi phí phục vụ sản xuất kinh doanh đều trong chiều hướng tăng.

Có thể thấy tác động tích cực đầu tiên của việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là chỉ 3 ngày sau khi quyết định giảm có hiệu lực, trong đó có 2 ngày là ngày nghỉ, thị trường chứng khoán đã theo xu hướng đi lên. Hai phiên liên tục đầu tuần này VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.070 điểm mà chật vật mấy tuần qua không giành được, đồng thời thanh khoản thị trường trên sàn HoSE cũng đã có vài phiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, mốc mà 2 tuần trước không thể nào đạti, có đạt cũng không giữ nổi, chỉ loanh quanh 9.000 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán hứng khởi cũng sẽ tạo thêm một kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, bên cạnh kênh chủ lực là vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi vẫn là việc giảm laĩ suất cho vay đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Bởi đối với lãi suất huy động, không cần Ngân hàng Nhà nước phải thúc ép, thì các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động giảm dần. Tại thời điểm hiện tại, lãi suất của các ngân hàng chỉ loanh quanh 7 - 7,5%, thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2023 đã giảm 2%. Thế nhưng, với lãi suất cho vay, các ngân hàng vẫn cho rằng cần một độ trễ vài tháng để giảm được theo đà giảm của lãi suất điều hành. Quan trọng hơn nữa, dù lãi suất có giảm, cơ hội tiếp cận vốn rẻ của doanh nghiệp có lớn hay không? Đã từng có không ít thời điểm, lãi suất công khai thì giảm nhưng cơ hội tiếp cận vốn rẻ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn rất thấp và đầy khó khăn, vướng mắc, thậm chí nhiêu khê.

nguyen-thi-hong20230601171605-1685695126.jpg

Cần mở rộng thị trường để tăng cơ hội sử dụng vốn của doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải trình một số vấn đề về lãi suất cho vay cao, điều hành room tín dụng; việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng; việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trong Nghị quyết 43…

Thống đốc cho biết, chính sách tiền tệ được giao khá nhiều nhiệm vụ, khó đạt cùng lúc. NHNN kiên định đạt mục tiêu giữ đại cục vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tình hình để ứng phó linh hoạt trong từng thời kỳ.

"Với điều hành lãi suất, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo, NHNN cũng mong muốn. Nhưng điều hành lãi suất cần xem xét trong tổng thể vĩ mô ổn định, đặc biệt là đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng", Thống đốc khẳng định quan điểm.

Nhắc lại sự kiện chưa từng có tiền lệ: người dân rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB - nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống ngân hàng rất lớn - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đó, NHNN tập trung ưu tiên ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân.

Thống đốc cho biết cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng vẫn giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2022. Tuy nhiên, không thể nói tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với mức 14,16% của năm 2022 là do chính sách: "Không có lý do gì để các ngân hàng huy động tiền gửi trả lãi cho người gửi tiền mà đến lúc doanh nghiệp cần vay vốn lại không cho vay".

Theo bà Hồng, nguyên nhân còn xuất phát từ phía doanh nghiệp. Cụ thể là việc doanh nghiệp không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn đầu ra, nhưng cần có thêm thời gian. "Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài", bà Hồng nêu quan điểm

Mặc dù vậy, Thống đốc NHNN cũng nhận thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn khi không đủ điều kiện vay vốn bởi những khó khăn sau dịch Covid-19. Từ đó cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn thông qua chính sách, đơn cử như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, Thống đốc cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay 70% về pháp lý cho nên cần tập trung tháo gỡ từ pháp lý và các doanh nghiệp cần phải rà soát, điều chỉnh giá bất động sản. Điều này sẽ kích thích tín dụng bất động sản cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản và người mua nhà.

Việc triển khai gói lãi suất hỗ trợ 2% vẫn thấp theo lý giải của Thống đốc chủ yếu do tâm lý e ngại của doanh nghiệp, đồng thời tổ chức tín dụng khó đánh giá được thế nào là khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội chuyển nguồn này khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT.

An Thụy