Thực trạng quảng cáo tràn lan dịch vụ xâm lấn, tự xưng liên kết Viện 108

30/09/2023 16:10

Trong bối cảnh đang diễn ra làn sóng phát triển của ngành thẩm mỹ, tình trạng hoạt động trái phép của một số thẩm mỹ viện đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến uy tín của những thẩm mỹ viện có hoạt động đúng quy định.

Theo các thông tin được ghi nhận, một số thẩm mỹ viện chưa được cấp phép hoạt động đã tiến hành các dịch vụ can thiệp thẩm mỹ mà không có sự kiểm tra y tế cẩn thận. Điều này đã gây ra nhiều tình huống tai hại và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của những người tìm đến.

Việc hoạt động không đúng quy định không chỉ tác động đến cá nhân mà còn đe dọa tới uy tín của ngành thẩm mỹ nói chung. Sự tin tưởng của khách hàng đối với những thẩm mỹ viện có danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có những sự cố liên quan đến hoạt động trái phép của một số cơ sở không trung thực.

Cảnh báo: Thẩm Mỹ Viện 108 - Rủi ro từ những liên kết đáng ngờ"

Gần đây, việc các trang Facebook dùng tên liên quan đến con số 108 và việc tư vấn tự xưng là "Cơ sở" của Viện 108 đã trở nên phổ biến, dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Viện 108). Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của Viện 108 mà còn tiềm ẩn các vi phạm về pháp luật, lừa dối, và nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Chính vì vậy, việc tuyên truyền thường xuyên từ phía chính quyền, cơ quan thông tấn và truyền thông đại chúng trở nên cực kỳ cần thiết để giúp người dân phân biệt và lựa chọn các cơ sở uy tín, tránh rơi vào rủi ro không đáng có.

Thực tế cho thấy, khi xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng, đặc biệt là sự yêu cầu về các dịch vụ làm đẹp. Các cơ sở "thẩm mỹ viện" đã mọc lên một cách khắp nơi, dẫn đến việc người dân gặp khó khăn trong việc phân biệt và lựa chọn địa điểm thực hiện dịch vụ đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, không phải ai cũng hiểu rõ rằng mỗi cơ sở thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện một số dịch vụ cụ thể, đặc biệt là những phẫu thuật làm đẹp có yếu tố can thiệp sâu.

Theo quy định hiện hành của pháp luật thì tất cả các cơ sở Spa, thẩm mỹ không được cấp phép hoạt động đặc thù của cơ quan y tế có thẩm quyền chỉ được thực hiện các dịch vụ không xâm lấn. Vì vậy, tất cả các dịch vụ tiêm filler, tiêm botox và các dịch vụ liên quan đến can thiệp thẩm mỹ nhấn mí, nâng mũi,... thực hiện tại spa đều trái pháp luật theo quy định hiện hành.

Thực tế, thời gian qua, báo chí không ít lần thông tin về những trường hợp bị thẩm mỹ hỏng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng khi thực hiện làm đẹp tại các Spa, thẩm mỹ “chui”. Bởi vì, các đơn vị làm đẹp này chỉ theo hình thức “mọc chui”, không được cấp phép hoạt động và đội ngũ thực hiện không có trình độ chuyên môn cao. Ta nên hiểu rằng, việc đụng dao kéo vào cơ thể cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để không gây hại đến sức khỏe của bản thân.

null
Thẩm mỹ viện tại địa chỉ số 2 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội/ https://suckhoeviet.org.vn/

Tuy nhiên, có thể vì lợi nhuận hấp dẫn mà nhiều cơ sở thậm chí vi phạm luật pháp, vẫn quảng cáo và thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ngoài phạm vi cho phép, gây ra sự phẫn nộ trong dư luận. Đặc biệt, việc sử dụng các từ như "108", "Viện 108" trong quảng cáo và tư vấn khiến người ta tin rằng các thẩm mỹ viện có liên kết với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khiến tình trạng này vẫn tiếp tục tồn tại. Điển hình như hoạt động tại Thẩm Mỹ Viện 108 (số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà Tòa soạn Sức khỏe Việt liên tục nhận được.

Theo đó, để có thông tin chính xác và khách quan nhất, phóng viên đã vào vai khách hàng, trực tiếp nhắn tin tư vấn qua trang Facebook đang chạy quảng cáo về các dịch vụ xâm lấn có tên: “Thẩm Mỹ Viện 108 Hà Nội” và được hướng dẫn đến Viện thẩm mỹ tại địa chỉ số 2 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để được tư vấn trực tiếp.

Thẩm Mỹ Viện 108 (Số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì): Thực hiện nhiều dịch vụ xâm lấn

Quá trình tư vấn trực tiếp, PV ghi nhận: Thẩm mỹ viện (số 2 Đỗ Đức Dục) quảng cáo trên Facebook tên là “Thẩm Mỹ Viện 108 Hà Nội”, nhưng biển hiệu thực tế ngoài cửa là “Thẩm Mỹ Viện”, và bên trong là “Thẩm Mỹ Viện HN”.

Khi đến tư vấn trực tiếp, tư vấn viên đã giới thiệu các phương pháp nâng mũi mà không có bảng giá niêm yết, cụ thể: Nâng thường có các mức giá 7 – 12 triệu, làm bằng silicon của Hàn, bảo hành từ 5 – 7 năm / Nâng cấu trúc có giá từ 15 – 20 – 25 triệu, chất liệu là sụn sinh học, bảo hành trọn đời / Nâng mũi cấu trúc dựng trụ có giá 30 – 35 – 40 triệu và được làm từ trụ vách ngăn Matrix của Mỹ. Ngoài ra, phóng viên còn được tư vấn cắt mí với những mức giá từ 4 – 7 – 10 – 13 triệu.

Khi được hỏi rằng ở đây có nâng ngực và mông không thì tư vấn viên đã trả lời rằng: “Bên chị thì có nâng ngực, có độn mông, đầy đủ tất cả các dịch vụ về đại phẫu”

Thực trạng quảng cáo tràn lan dịch vụ xâm lấn, tự xưng liên kết Viện 108
Bên trong địa chỉ số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội lại ghi tên là “Thẩm Mỹ Viện HN”/ https://suckhoeviet.org.vn/

Liên quan đến hoạt động tại Thẩm Mỹ Viện 108 (số 2 Đỗ Đức Dục), PV đã có buổi làm việc với UBND phường Mễ Trì. Lãnh đạo phường cho biết: Thẩm mỹ viện tại số 2 Đỗ Đức Dục không phải phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, nên đơn vị này chỉ được phép thực hiện các dịch vụ chăm sóc da. Trước đó thẩm mỹ viện tại địa chỉ này cũng nhiều lần vi phạm, bị phạt số tiền lên đến 200 triệu đồng, bị tước giấy phép hoạt động, và sau đó, đơn vị tiếp tục hoạt động với danh nghĩa công ty khác.

Lãnh đạo phường cho biết: Sẵn sàng phối hợp để xử lý các đơn vị làm ăn không uy tín, bất chấp quy định hoạt động trên địa bàn phường.

Thực trạng quảng cáo tràn lan dịch vụ xâm lấn, tự xưng liên kết Viện 108
Tư vấn viên của Thẩm mỹ viện đang tư vấn cho một khách hàng khác về dịch vụ cắt mí/ https://suckhoeviet.org.vn/

Căn cứ tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. (Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân)

Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội có thực sự liên kết với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108?

Ngoài việc chạy quảng cáo trên các trang để tên là 108 như “Viện Thẩm Mỹ 108” “Thạc Sĩ, Bác Sĩ Lâm – Viện 108 Hà Nội”,… khi nhắn tin qua các trang Facebook kể trên cũng nhận được câu trả lời rằng đây là phòng khám tư bên ngoài Bệnh viện 108 Hà Nội, có các bác sĩ Lâm, bác sĩ Sơn, Bác sĩ Thanh được khách hàng đặt lịch nhiều nhất.

Khi đến tư vấn trực tiếp: “Cái này là của bệnh viện 108 đúng không ạ” thì tư vấn viên đã nói: “Đúng rồi, đây là khoa dịch vụ do bác sĩ 108 mở khoa riêng, đây là phòng khám tư.”

Và sau đó là hàng loạt câu nói của tư vấn viện tại Viện Thẩm Mỹ (Số 2 Đỗ Đức Dục) để quảng cáo, khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là phòng khám thuộc Bệnh viện 108:

“Bác sĩ 108 luôn luôn là thế mạnh về phẫu thuật thẩm mỹ rồi. Nếu mà nhắc đến làm đẹp thì ai cũng nghĩ đến 108 hết. Bên chị là bác sĩ có tay nghề chuyên môn và bằng cấp đầy đủ.”

hay “Bên chị làm mũi với các chỉnh hình trên khuôn mặt là thế mạnh rồi, chuyên về chỉnh hình khuôn mặt.”

Thực trạng quảng cáo tràn lan dịch vụ xâm lấn, tự xưng liên kết Viện 108
Trang Facebook “Viện Thẩm Mỹ 108” hướng tới địa chỉ của Thẩm mỹ viện tại số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội/ https://suckhoeviet.org.vn/

Vấn đề đặt ra: Tại sao viện thẩm mỹ 108 (số 2 Đỗ Đức Dục) vẫn ngang nhiên thực hiện các dịch vụ xâm lấn như (nâng mũi, cắt mí, độn mông,…)? Viện thẩm mỹ này có thực sự liên kết với bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Hà Nội, (nếu có), liên kết với bác sĩ nào? Nếu không liên kết mà chỉ là tự nhận thì hành vi này có được phép theo quy định? Bởi, được biết, trước đó, thẩm mỹ viện tại địa chỉ này cũng từng bị tố vì mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đánh lừa khách hàng. Vậy, hành vi này có tiếp tục tái diễn,…? Bác sĩ Thanh, Bác sĩ Sơn, bác sĩ Lâm mà các nhân viên tại Viện Thẩm Mỹ 108 giới thiệu là đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại Cơ sở thực chất có phải bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108? (Nếu có), hoạt động này có được phép? Thực chất những người đang trực tiếp thực hiện các phẫu thuật tại Thẩm mỹ viện 108 có phải bác sĩ, có chứng chỉ hành nghề và bằng cấp liên quan?

Giả mạo bác sỹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh như thế nào?

Việc thực hiện hoạt động khám chữa bệnh phải theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình.

Người giả mạo bác sỹ để thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, với những người giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trường hợp giả mạo bác sỹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.

Cụ thể nếu trong quá trình giả mạo làm bác sỹ mà làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân thì sẽ có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Trường hợp người mạo danh bác sỹ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng hành vi này có liên quan đến việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để có thể tiến hành hoạt động của bác sỹ thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Tội Giả mạo trong công tác (Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015). Tội sử dụng tài liệu con dấu giả (Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015),….

Ở mức độ vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định, các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60-80 triệu đồng.

Để tránh tình trạng các thẩm mỹ viện thực hiện dịch vụ “chui” diễn ra rầm rộ, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân, nâng cao ý thức, bảo vệ uy tín của bác sĩ, các cơ sở có giấy phép, hoạt động đúng theo quy định, thiết nghĩ Sở Y tế, Phòng Y tế, UBND phường,… cần tiếp tục có kế hoạch kiểm tra sát sao hơn nữa.

Đồng thời, người dân cũng cần không ngừng nâng cao hiểu biết, thường xuyên đọc tin tức liên quan để có thể lựa chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, có tâm. Để không tiếp tay cho các đơn vị Thẩm mỹ viện hoạt động chui các dịch vụ xâm lấn, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên đề nghị các đơn vị cho xem các giấy tờ có liên quan về phạm vi hoạt động, chứng chỉ của bác sĩ phẫu thuật,…Ngoài ra, khi gặp các đơn vị có dấu hiệu thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, người dân cần lên tiếng hoặc phản ánh đến đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế, chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.

Kim Ánh - Lâm Thanh Thu