Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023)

30/08/2023 11:02

Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam diễn ra vào ngày 2/9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 19/8/1945 – bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX

Lịch sử đã khẳng định, để làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc Việt Nam với quyết tâm và tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, đã nhất tề vùng lên, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ ách thống trị phát xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập nên chính quyền cách mạng trên cả nước.

null
Ảnh minh họa.

Thành quả cách mạng vĩ đại này không chỉ là kết quả của 15 ngày tổng khởi nghĩa, không chỉ là kết quả của sự nghiệp cách mạng trong 15 năm (1930-1945) qua cao trào 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, mà còn là thành quả của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trong gần một thế kỷ được đánh đổi bởi mồ hôi, máu xương của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo lỗi lạc và là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám đã khái quát và nhấn mạnh rằng: “Lịch sử dân tộc ta có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”.

Do đó, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự tổ chức lãnh đạo bài bản, khoa học, sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, sự kiện này còn là cánh cửa mở ra thời đại mới, khẳng định vị thế của Việt Nam với quốc tế: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời

Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về Hà Nội. Chiều hôm sau, đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.

Sáng sớm ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga ngập tràn đường phố. Hào hứng ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng với trang phục chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài.

d22395fe1008bc2cd3ae6d32930cc752-1693368091.jpg
ee95b7752cffbadeb34287883d57f99c-1693368091.jpg
Ảnh minh họa.

Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điệu của bài hát. Hàng chục vạn tay nắm chặt tay giơ lên với khí thế quyết tâm, muôn triệu trái tim hòa chung một nhịp đập niềm hạnh phúc được sống trong tự do, độc lập.

Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.

Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Âm vang lịch sử - nối dài tới tương lai

Mỗi khi nhắc đến đến ngày lễ Quốc khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại – người anh hùng giải phóng dân tộc.

Trong không khí dân tộc chào mừng Kỷ niệm 78 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), có thể khẳng định rằng, dù quá khứ đã qua đi và lịch sử đã tiếp nối bởi nhiều sự kiện mới nhưng tinh thần của ngày Quốc khánh 2/9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần của “Tuyên ngôn độc lập” sẽ mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam, là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ con người Việt Nam hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do mà cha ông ta đã vất vả tạo dựng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trước những diễn biến phức tạp của thời đại và xu thế biến đổi không ngừng của thế giới, nhân dân ta quyết tâm bảo vệ và kiến thiết nước đất nước vững mạnh, văn minh hơn nữa; đồng thời xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ để góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp chung của dân tộc, xứng đáng với thành quả của cha ông.

PV