ĐHĐCĐ Vingroup: Định giá của VinFast không phải chỉ là 23 tỷ USD

17/05/2023 15:54

Nói về mục tiêu phát triển VinFast, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, định giá của VinFast không phải chỉ là 23 tỷ USD. Sau này có thể là mảng kinh doanh tốt nhất của Vingroup.

Sáng 17/5, Tập đoàn Vingroup tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh xe VinFast được nhiều cổ đông quan tâm. Và tại đại hội, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn cũng đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động của hãng xe điện VinFast.

6-mau-xe-dien-vinfast-0220230517141803-1684313615.jpg

Chia sẻ về mục tiêu khi phát triển VinFast, ông Phạm Nhật Vượng cho rằng, câu chuyện không đơn giản là kinh doanh kiếm tiền, kiếm tiền thì không cần gia nhập lĩnh vực khó khăn, gian khổ thế. Chúng ta làm để hướng tới xây dựng thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, không toan tính.

"Chúng ta là doanh nghiệp lớn, thành đạt, có năng lực thì phải đóng góp cho đất nước. Đóng góp ở đây là xây dựng thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế", ông Vượng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Vượng, xu hướng thời gian tới là “cách mạng xanh”. Ông kỳ vọng định giá của VinFast không phải chỉ là 23 tỷ USD. Sau này có thể là mảng kinh doanh tốt nhất của Vingroup.

Liên quan đến các đối thủ xe điện khác đang vào Việt Nam cạnh tranh, ông Vượng cho biết, xe điện Trung Quốc không thể chiếm lĩnh 100% thị trường bởi ngay cả ở chính Trung Quốc thì vẫn có các hãng xe điện nước ngoài bán chạy. “Hãng xe Trung Quốc có khách hàng của họ, VinFast có định vị của mình, đây là câu chuyện cạnh tranh, làm ăn bình thường, khái niệm đắt hay rẻ phụ thuộc vào nhu cầu và thị hiếu của thị trường”, Chủ tịch Vingroup nói.

Trả lời cổ đông về việc có cho các hãng xe điện dùng chung trạm sạc của mình không? Ông Phạm Nhật Vượng cho biết: “Chúng tôi xác định chiến lược 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác được sạc cùng. Hiện tại, không lý do gì bỏ ra 500-700 triệu USD để cho đối thủ dùng”.

Tại đại hội, ĐHĐCĐ Vingroup đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng. So với kết quả 2022, lợi nhuận Vingroup đi ngang nhưng doanh thu tăng trưởng gần 90%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Vingroup.

ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo một hoặc nhiều đợt chào bán, với lãi suất tối đa 15%/năm.

Vingroup sẽ chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng, căn cứ vào tình hình thực tế quyết định phương thức chào bán và khối lượng chào bán tương ứng. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng.

Thời hạn phát hành dự kiến trong vòng một năm kể từ ngày ĐHĐCĐ thông qua. Số lượng cổ phần phát hành theo mỗi trái phiếu được xác định bằng mệnh giá trái phiếu chia cho giá mua cổ phần.

Theo báo cáo, năm 2022, doanh thu thuần của Vingroup đạt 101.794 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.044 tỷ đồng. Sau khi loại đi các khoản chi phí tài chính đến từ việc trích lập dự phòng lỗ tỷ giá, chi phí liên quan đến quyết định dừng sản xuất xe xăng, rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.278 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch.

Hải Sơn