CTCP Dược Bidiphar: Tăng trưởng khả quan

20/06/2023 12:56

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của CTCP Dược Bidiphar (HoSE: DBD) được Công ty chứng khoán Rồng Việt VDSC đánh giá khả quan, nhưng khuyến nghị ở mức tích lũy do mức upside thu hẹp.

null

Kết quả kinh doanh khả quan

KQKD quý 1 năm 2023 của Bidiphar cho thấy, doanh thu đạt 382 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ và giảm 18% so với quý trước), lợi nhuận trước thuế (LNTT) 84 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ và giảm 9% so với quý trước), tương ứng hoàn thành 21% và 28% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu kênh ETC là 209 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ và giảm 28% so với quý trước) và OTC 156 tỷ đồng (giữ nguyên so với cùng kỳ và tăng 2% so với quý trước).

Kênh ETC tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của DBD khi công ty được hưởng lợi ích chung từ các chính sách do Quốc hội thông qua trong đầu năm 2023 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong kênh ETC. Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc do hết số đăng ký đã giảm đi và các bệnh viện đã mạnh dạn tổ chức đấu thầu tập trung trở lại.

So với cùng kỳ, kênh OTC chỉ tăng nhẹ do doanh thu các sản phẩm chống dịch COVID đã giảm sút, còn các mặt hàng khác như thuốc kháng sinh, khoáng chất & vitamin, thuốc nội tiết,… vẫn đang kinh doanh tốt. Đồng thời, số lượng khách hàng nhà thuốc đã đạt 21.200, tăng 1.200 khách hàng so với thời điểm cuối năm 2022. Doanh thu trung bình mỗi khách hàng nhà thuốc của DBD ước tính giảm 12% so với năm 2022 do các khách hàng mới chưa có nhiều đóng góp.

Biên lợi nhuận gộp là 50% (tăng 207 điểm cơ bản - bps so với cùng kỳ và tăng 150 bps so với quý trước) và biên lợi nhuận sau thuế (LNST) 18% (tăng 366 bps so với cùng kỳ và 90 bps so với quý trước). DBD tiếp tục mở rộng được biên lợi nhuận cho thấy sự hiệu quả trong chiến lược tập trung đẩy mạnh kinh doanh dược phẩm tự sản xuất có biên lợi nhuận cao (biên LNG trung bình đạt 50%) và giảm các sản phẩm thiết bị, vật tư y tế (biên LNG trung bình đạt 10 - 12%).

Nhà máy thuốc ung thư Nhơn Hội bao gồm hai dây chuyền thuốc tiêm và dây chuyền thuốc viên đã hoàn thành và đi vào hoạt động: Dây chuyền thuốc tiêm đã đi vào hoạt động và sản xuất thương mại theo tiêu chuẩn WHO - GMP với công suất 2023 cao hơn 2022.

Đối với dây chuyền thuốc viên đã hoàn thành lắp đặt và hiện đang trong giai đoạn ổn định sản phẩm để nộp hồ sơ đăng ký thuốc. Công ty dự kiến năm 2025 mới được cấp số đăng ký và sản xuất theo WHO - GMP.

Cả hai dây chuyền thuốc ung thư dạng tiêm và dạng viên đang trong giai đoạn bổ sung các thiết bị kiểm nghiệm theo quy định EU - GMP để nộp hồ sơ đăng ký thuốc. Dự kiến đến cuối năm 2024, DBD sẽ nộp hồ sơ xét duyệt tiêu chuẩn EU - GMP đối với hai dây chuyền sản xuất này.

dbd20230616084559-1686884135.jpg

Triển vọng cho năm 2023

Trong năm 2023, VDSC kỳ vọng rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính đối với cổ phiếu DBD nhờ hưởng lợi ích chung từ các chính sách đã được Quốc hội thông qua trước đó như Thông tư 06/2023/TT-BYT và Luật khám chữa bệnh sửa đổi 15/2023/QH15. Điều này sẽ giúp cho DBD có thể cải thiện được về giá đấu thầu cũng như sản lượng thuốc trên kênh ETC. Lũy kế 5T2023, giá trị trúng thầu thuốc là 289 tỷ đồng (+24% YoY) đang thể hiện rõ những sự thuận lợi trên kênh ETC của DBD khi các bệnh viện đã mạnh dạn tổ chức đấu thầu hơn so với giai đoạn trước. Trong dài hạn, nhà máy thuốc ung thư Nhơn Hội được xét duyệt tiêu chuẩn EU – GMP là yếu tố mà chúng tôi tiếp tục theo dõi và dành sự kỳ vọng rằng đây có thể là điểm tựa để nâng tầm vị thế của DBD.

Sự trở lại của kênh ETC sẽ đe dọa tới thị phần của kênh OTC, điều này tác động tới doanh thu trung bình mỗi khách hàng nhà thuốc có thể tiếp tục tăng trưởng âm trong năm 2023. Cùng với đó tốc độ gia tăng số lượng nhà thuốc dã có xu hướng chậm lại từ năm 2022 làm doanh thu trên kênh OTC giảm tốc trong năm 2023.

VDSC duy trì dự phóng cho năm 2023 so với cùng kỳ năm trước với mức cụ thể là: doanh thu thuần 1.725 tỷ đồng (tăng 12%) và LNST 292 tỷ đồng (tăng 20%), trong đó doanh thu kênh ETC 947 tỷ đồng (tăng 11%) và OTC 649 tỷ đồng (tăng 12%), EPS cho năm 2023 là 3.894 đồng (tăng 20%oY).

VDSC thay đổi khuyến nghị từ mua sang tích lũy cổ phiếu DBD với giá mục tiêu là 52.600 đồng/cổ phiếu do mức upside hiện nay đã bị thu hẹp sau quãng thời gian tăng giá trước đó, mức định giá P/E forward là 11,5x đang thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm là 28%.

Kết phiên sáng 15/6/2023, DBD đang có thị giá 48.900 đồng/cổ phiếu, tăng 0,4% so với kết phiên trước./.

Hoài Miên
Bạn đang đọc bài viết "CTCP Dược Bidiphar: Tăng trưởng khả quan" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.