Thấy gì khi tháng 4 chỉ có 01 lô trái phiếu doanh nghiệp được phát hành?

16/05/2023 09:53

Theo thống kê của Fiin Rating, sau tháng 3 sôi động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp TPDN) tháng 4 lại giảm mạnh khi chỉ có một lô được phát hành. Con số này cho thấy thực tế gì?

500-1684205598.jpg

Thị trường kém sôi động

Theo Fiin Rating, lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản, có trị giá 671 tỷ đồng, do Công ty cổ phần North Star Holdings phát hành. Trái phiếu có kỳ hạn 16 tháng, lãi suất 14% mỗi năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.

Tính chung cả tháng 4/2023, quy mô phát hành tháng 4 chỉ tương đương 2,25% so với cùng kỳ 2022 và 2,5% so với tháng 3 - thời điểm thị trường bật tăng với 13 lô trái phiếu được phát hành, tổng trị giá đạt gần 18.000 tỷ đồng. Quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn tháng 4 cũng giảm 41,61% so với tháng 3 và giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 11.300 tỷ đồng.

Tính đến ngày 4/5, thị trường ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu với tổng giá trị là 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất. Điểm sáng gần đây là thị trường đã ghi nhận một số hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu theo Nghị định 08. Hôm 4/5, Bất động sản Phát Đạt gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng, đi kèm với nâng cao lãi suất đến ngày đáo hạn. Sovico gia tăng kỳ hạn 52 gói trái phiếu từ 36 tháng lên 60 tháng...

Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu mà không cần chờ sau một năm. Điều này phần nào ổn định tâm lý, giảm tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng hơn.

Cũng trong tháng 4, hoạt động mua lại chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị. Giá trị trái phiếu ngân hàng được mua lại tăng 5,64 lần so với tháng 3 và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ các ngân hàng lớn như Ngân hàng Quốc tế, Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và BIDV. Hầu hết các lô được ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại một hoặc 2 năm.

Chính phủ tìm cách tháo gỡ...

Trước thực tế trầm lắng đáng ngại của thị trường TPDN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 4 đã họp với Ngân hàng Nhà nước về sửa quy định trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 về tổ chức tín dụng mua, bán TPDN theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay TPDN thay vì chỉ được mua TPDN chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó.

Thủ tướng cũng lưu ý, các quy định sửa đổi cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đầu tư, cho vay với trái phiếu, nhằm tăng nguồn cung, thanh khoản và phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, số TPDN đáo hạn năm nay gần 273.000 tỷ đồng và đã có nhiều doanh nghiệp, đa số thuộc nhóm bất động sản, buộc phải thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi.

Trước tình hình này, đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 sửa đổi về TPDN với những quy định thông thoáng hơn cho cả tổ chức phát ahnfh lẫn người đầu tư, nhằm giúp thị trường dần ấm trở lại sau gần nửa năm "đóng băng". Nhờ đó, quý I năm nay, các doanh nghiệp đã huy động hơn 24.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, tuy ít hơn nhiều so với 2 năm cao điểm 2020 - 2021, nhưng cũng qua được tình trạng "băng giá" của nửa cuối năm 2022.

Cùng với gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái khác để cơ cấu lại nợ, hoãn giãn và không chuyển nhóm nợ, cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng. Đây cũng là mong muốn của nhiều nhà doanh nghiệp, như ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Land: "Ở Việt Nam thời gian vừa rồi việc phát hành trái phiếu bị ảnh hưởng do việc mất niềm tin của người dân và trái chủ, dẫn tới kênh huy động đó bị bế tắc. Ngân hàng Nhà nước nới lỏng về room cho vay hoặc là mở rộng cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, nguồn vốn đầu tư để phát triển BĐS. Doanh nghiệp tồn tại vững mạnh thì nhà đầu tư trái phiếu tham gia trở lại bình thường. Còn trong trường hợp hiện nay thì các trái chủ cũng lo sợ là doanh nghiệp có tồn tại không? Phát triển sản phẩm có đưa đến tay người tiêu dùng hay không?"

...Nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo

Thị trường TPDN trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021 với sự tham gia của không ít ngân hàng và công ty chứng khoán. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2020 các doanh nghiệp đã phát hành gần 462.000 tỷ đồng TPDN và năm 2021 con số này là 658.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành, dùng vốn sai quy định của một số doanh nghiệp bất động sản lớn giữa năm ngoái, thị trường TPDN đã chững lại. Và cũng từ đó, thị trường bộc lộ những bất cập "chết người", trong đó đáng chú ý là tình trạng "lách" quy định để "bon chen" vào thị trường của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân, ví dụ như không đáp ứng yêu cầu về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Mặc dù theo Nghị định 08, các yêu cầu về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tạm thời chưa áp dụng, nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn vào lợi nhuận. Trái lại, nhà đầu tư càng cần tỉnh táo, phân tích kỹ lưỡng sức khỏe doanh nghiệp, cơ hội sinh lời trước khi "xuống tiền", bởi càng nới lỏng quy định với nhà đầu tư cá nhân thì các trái chủ càng ít có cơ hội để "khóc" nếu có biến cố. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Phát hành trái phiếu thực chất chỉ là quan hệ dân sự giữa một bên là doanh nghiệp, một bên là các trái chủ, tin nhau thì người ta bỏ tiền ra. Tỷ lệ phát hành cũng cần được quy định rõ và cụ thể. Bây giờ chúng ta không có quy định này nên có những doanh nghiệp phát hành lên đến 47 lần gần 48 lần thì khó quản lý là đương nhiên. Trái phiếu đã gấp mấy chục lần vốn chủ sở hữu như thế, rồi còn đi vay nợ ngân hàng còn nợ các doanh nghiệp khác thì khó mà trả nợ được".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, thị trường TPDN là một kênh đáng lý ra phải được phát triển rất mạnh mẽ và thay thế phần nào vai trò, đỡ gánh nặng cho ngân hàng: "Rất tiếc là trong suốt năm 2022 những vụ việc xảy ra trên thị trường trái phiếu đã "đánh gục" vai trò đó. Bởi vậy tôi đề nghị Chính phủ có một chương trình hoãn nợ quốc gia để tất cả những trái phiếu đến hạn trong năm nay và năm tới được gia hạn 1 đến 2 năm và trong thời gian được gia hạn thì các trái chủ không được đưa những doanh nghiệp đó ra tòa án mở thủ tục phá sản. Nhưng chính sách đặc biệt này chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp đã làm đúng quy trình, không vi phạm pháp luật"./.

An Thụy