Ngân hàng nào đang có nợ xấu cao nhất?

16/05/2023 10:00

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I của 27 ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng ở mức 8,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2022, có 8 ngân hàng ghi nhận dư nợ tín dụng giảm.

502-1684205961.jpg

 

Nợ xấu của 27 ngân hàng tăng 24,4% so với cuối năm 2022

Theo số liệu thống kê, tổng nợ xấu 27 ngân hàng tính đến hết quý I ở mức 170.502 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cuối 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 71% lên hơn 56.605 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 30% lên 43.453 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 0,1% còn 70.461 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 41%.

VPBank, BIDV, VietinBank, SHB và NCB đang là 5 ngân hàng có nợ xấu cao nhất, chiếm tỷ trọng 55% tổng nợ xấu của 27 ngân hàng. VPBank có gần 29.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 15%. BIDV với hơn 24.730 tỷ đồng, tăng 40% so với số đầu năm. VietinBank ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 8%. SHB đang có hơn 11.500 tỷ đồng nợ xấu, tăng 7% và tại NCB là gần 11.000 tỷ đồng, tăng 28%.

Chỉ có PGBank và VietABank ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm. Tại PGBank, nợ xấu ở mức 718 tỷ đồng, giảm 3%. Nợ xấu của VietABank là 953 tỷ đồng, giảm 0,2%.

Có 10 trong tổng số 27 ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 5 giảm so với đầu năm. Trong đó, VietinBank ghi nhận giảm 31% xuống còn 4.306 tỷ đồng, VPBank giảm 23% còn 5.510 tỷ đồng, Kienlongbank giảm 20% còn 516 tỷ đồng, LienVietPostBank giảm 11% còn 1.140 tỷ đồng, VIB giảm 11% còn hơn 2.175 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại như ABBank, ACB, SeABank, SHB, Vietcombank cùng ghi nhận nợ nhóm 5 giảm dưới 5%.

BIDV, SHB, Vietcombank, VPBank và VietinBank là 5 ngân hàng đang có dư nợ nhóm 5 cao nhất chiếm tỷ trọng 52% trên tổng dư nợ tại nhóm nợ này.

501-1684205961.jpg

Chỉ có 3 ngân hàng nợ xấu giảm

Tỷ lệ nợ xấu trung bình 27 nhà băng ở mức 1,92% tăng hơn 30 điểm cơ bản so với cuối 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 122,5% còn 106%.

Tại thời điểm 31/3, chỉ có ba ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm là Kienlongbank (giảm từ 1,89% còn 1,86%), PGBank và VietABank cùng giảm 0,1 điểm phần trăm còn lần lượt 2,47% và 1,43%.

Số liệu tổng hợp cho thấy NCB đang là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, tăng hơn 5 điểm phần trăm so với đầu năm lên 22,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ghi nhận thấp nhất trong số 27 ngân hàng với hơn 9,1%, giảm 2,1 điểm phần trăm.

Sau NCB là VPBank, đơn vị này ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức 6,2%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối 2022. VietBank và ABBank cùng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên 4%.

BacABank, Vietcombank, Techcombank và ACB là 4 đơn vị có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Theo đó, tại BacABank là 0,57%, Vietcombank 0,85%, Techcombank 0,85% và ACB 0,98%.

Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí quán quân với tỷ lệ bao phủ đạt 320% tăng 3,4 điểm phần trăm so với đầu năm. Tại MB, tỷ lệ bao phủ giảm gần 100 điểm phần trăm xuống chỉ còn 138%. TPBank cũng ghi nhận mức sụt giảm tỷ lệ này hơn 51 điểm phần trăm xuống còn gần 84%.

Nửa cuối năm, nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng

Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng quý I, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành cuối quý I đã tăng lên 2,9% so với mức 2% của đầu năm. Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR giảm so với quý trước. Khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022.

Ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản như Vietcombank, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại. Tuy vậy, VNDirect kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như Techcombank, MB, VPBank… giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nợ xấu có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, người vay tiền yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm nhiều rủi ro ở thời điểm hiện tại là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao cũng như có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng nào đang có nợ xấu cao nhất?" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.