Logistics: Doanh nghiệp cần đổi mới để không bị loại khỏi cuộc chơi

17/05/2023 13:17

Logistics là ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, đưa Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu 2022.

0010-1684221440.jpg

Việt Nam lọt top 10 thị trường mới nổi

Tại bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam được đánh giá ở vị trí 16, cải thiện 1 bậc so với năm 2022 với 5,02 điểm. Còn về yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng với 6,03 điểm. Dựa trên các điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp logistics có lợi thế rất lớn là hoạt động sản xuất cũng như thương mại trong nước và quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh thời gian qua. Điều này đã tạo ra nguồn hàng, nguồn cung cấp dịch vụ sẵn có. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics không thể trông cậy vào nguồn hàng trong nước mà cần phát triển, tiến ra nước ngoài để thiết lập một cuộc chơi bình đẳng và cạnh tranh.

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam vào tháng 8 tới chính là một yếu tố giúp cho doanh nghiệp của Việt Nam có thể tiếp cận, làm quen với các đối tác nước ngoài để có định hướng lâu dài hơn trong việc tiến ra thị trường bên ngoài và thiết lập con người kinh doanh mới trong thời đại mới.

Thay đổi mình để không bị đứng ngoài cuộc

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp logistics, cụ thể là hướng tới số hóa trong các khâu hoạt động cũng như các công việc kinh doanh của doanh nghiệp, từ sản xuất đến bán hàng, vận chuyển, hậu mãi... nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn nữa, các hàng rào liên quan đến môi trường sẽ được áp dụng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa thì có thể bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay với việc Việt Nam được kỳ vọng trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới, Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023) dự kiến được tổ chức vào tháng Tám năm nay sẽ là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp logistics và lĩnh vực liên quan tiếp cận các giải pháp, xúc tiến hợp tác nhằm tối ưu hóa quy trình logistics, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, chuỗi hội thảo "mục tiêu kép" vừa thảo luận vừa kết nối về các chủ đề đáng quan tâm như xuất khẩu nông sản trực tuyến theo mô hình Buy-Ship-Pay, chuỗi cung ứng lạnh cũng sẽ được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức thực tiễn, bài học kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp./.

Miên Hạ