Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tháng 5

19/05/2023 08:42

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong khi GDP quý I/2023 khu vực đồng tiền chung chấu Âu Euro tăng 0,1%, kinh tế trong nước cũng tăng trưởng chậm lại… Những dấu hiệu đó cho chúng ta tín hiệu gì cho tháng 5 và những tháng tiếp theo?

Mỹ và Eurozone ngược chiều, Việt Nam tăng trưởng chậm

32-1684226470.jpg

Tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại trong quý I năm 2023 chủ yếu là do đầu tư bị suy yếu khi tổng mức đầu tư tư nhân trong nước giảm mạnh 3,3% so với quý trước (QoQ), nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giảm đầu tư tài sản cố định phần thiết bị. Nhóm nghiên cứu Techcombank đã từng đưa ra dự đoán: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay dựa trên dự đoán về hoạt động kinh tế giảm mạnh.

Trong khi đó, khu vực đồng Euro (Eurozone) đã tránh được suy thoái mùa đông một cách ngoạn mục khi GDP quý I của khu vực này tăng 0,1% so với quý trước, sau khi GDP quý trước được điều chỉnh giảm xuống mức không tăng trưởng từ mức tăng 0,1%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro vẫn chưa hoàn toàn tránh được viễn cảnh suy thoái khi cuộc chiến chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến sẽ kéo dài. Chắc chắn, tác động của môi trường lãi suất cao sẽ làm xấu đi cả tiêu dùng và đầu tư, chưa kể đến xuất khẩu do tiêu dùng của Mỹ chậm lại

Tốc độ tăng giá (CPI) của Mỹ chậm lại trong khi CPI chung của khu vực đồng Euro đã tăng 7% trong tháng 4 so với 6,9% trong tháng 3 sau sáu tháng giảm liên tiếp do chi phí năng lượng và dịch vụ cao hơn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều diễn biến khó lường, kinh tế Việt Nam cũng rơi vào xu hướng tăng trưởng chậm trong quý I/2023 và số liệu kinh tế tháng 4 cho thấy chưa có sự cải thiện đáng kể. Dù vậy, lạm phát thấp giúp Chính phủ có dư địa thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 46,7, thấp hơn con số 47,7 của tháng trước và cũng là mức thấp nhất trong 4 tháng của năm 2023. S&P cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty đã giảm tương ứng về việc làm và hoạt động mua hàng. Một chỉ tiêu khác cũng cho thấy lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Theo đó, IIP lũy kế tiếp tục tăng trưởng âm tháng thứ 4 liên tiếp trong năm 2023, với mức -1,8% so với cùng kỳ của năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm đang chậm lại, mở ra kỳ vọng về mức tăng trưởng dương trong thời gian tới.

Hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo là điện thoại và may mặc. Sản lượng điện thoại di động chỉ đạt 15 triệu chiếc trong tháng 4, giảm 17% so với cùng kỳ của năm 2022, giảm 5% so với tháng trước và chỉ bằng 88% sản lượng bình quân trong 12 tháng gần nhất. Sự sụt giảm này là rất đáng chú ý do chuỗi giá trị của điện thoại rộng, có liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác nhau. Mức độ lan tỏa đến nền kinh tế vì vậy lớn hơn so với nhiều mặt hàng khác. Tích cực hơn một chút khi lĩnh vực may mặc đang cho thấy dấu hiệu phục hồi, dù vẫn dưới mức trung bình của 12 tháng gần nhất. Sản lượng quần áo sản xuất trong tháng 4 đạt 413 triệu chiếc, giảm 18% so với tháng 4 của năm 2022, nhưng đã tăng 8% so với tháng trước.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 22,5% cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Sự sụt giảm của lĩnh vực này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc làm cũng như thu nhập của người dân. Khi thu nhập giảm thì sẽ kéo theo sự sụt giảm về chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. CPI trong tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước và là tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân chính là do cầu trong nước suy giảm khi có đến 7 trên 11 nhóm hàng ghi nhận giảm giá.

Kỳ vọng nào cho tháng 5?

31-1684226470.jpg

Dự báo CPI có thể tiếp tục giảm trong tháng 5 do cầu tiêu dùng trong nước vẫn chưa có nhiều cải thiện; cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước sụt giảm, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2023 là thách thức lớn.

Tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% trong quý 1, để đạt mục tiêu cả năm ở mức 6,5% thì bình quân 3 quý còn lại cần đạt mức tăng 7,5%. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ đang tiến hành nhiều giải pháp để có thể tiến gần hơn đến con số mục tiêu của mình. Ngay sau khi có 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành trong tháng 3 thì trong tháng 4, NHNN đã tiếp tục ban hành 2 thông tư rất quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Thông tư 02 cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông tư 03 cho phép các TCTD được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phân phối trước đó mà không cần chờ đến thời hạn sau 1 năm như quy định trước. Các chính sách này sẽ giúp nguồn vốn trong nền kinh tế phần nào được khơi thông, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng chậm như hiện nay. Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp tháng 5 về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Nếu được thông qua thì chính sách này sẽ giúp cho hàng hóa có cơ hội giảm giá, từ đó kích cầu tiêu dùng của người dân.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 25/4 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ đạt 2,75%, thấp hơn nhiều so với con số khoảng 7% của cùng kỳ năm 2022. Theo lý giải thì nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm, đồng thời những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại không đủ điều kiện do suy yếu trong thời gian dài chịu tác động bởi Covid-19. NHNN cũng đã mua được 6 tỷ USD từ đầu năm đến nay và con số này có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới với động lực là thặng dư thương mại trong 4 tháng đầu năm 2023 đã lên hơn 7,5 tỷ USD - mức cao nhất trong cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với khoảng 140 nghìn tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế.

Nguyên nhân là do khi nhu cầu tiều dùng của các thị trường Mỹ và Châu Âu suy giảm thì các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, của Việt Nam có xu hướng giảm lượng hàng tồn kho xuống mức tối đa. Nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu vì vậy sẽ giảm mạnh. Bên cạnh đó, đồng USD yếu sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế đi tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi. Đó là lý do các thương vụ M&A lớn đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, sau khi ngân hàng SMBC đầu tư tới 1,5 tỷ USD vào VPBank. NHNN có thể tiếp tục mua được ngoại tệ trong thời gian tới. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá USDVND đang giảm 0,4%. Với diễn biến hiện nay, tiền đồng sẽ duy trì được sự ổn định trong ngắn hạn, thậm chí là có cơ hội lên giá thêm trong các tháng cuối năm 2023.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể khi các NHTM đang nắm giữ lượng tín phiếu của NHNN lên tới 110 nghìn tỷ, đồng thời gia tăng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 3,04%, thấp hơn so với con số 3,5% của trái phiếu Chính phủ Mỹ - điều hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Mặt bằng lãi suất huy động cũng có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới./.

Thuỵ An
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tháng 5" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.