Các ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức trong tháng 7

12/07/2023 13:15

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng chia cổ tức trong tháng 7 đều lựa chọn chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu với mục đích đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực tài chính.

null
Các ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức trong tháng 7. Ảnh minh họa

Cổ tức bằng cổ phiếu được chia với tỷ lệ khá cao

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) sẽ phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 17/7/2023. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế năm 2022. Sau đợt phát hành thành công, vốn điều lệ tại MB sẽ tăng thêm 6.800 tỷ đồng.

Ngoài chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng lên phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/6/2023, ngày dự kiến thanh toán là 10/7 tới đây. Với 4,53 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng này sẽ chi ra khoảng 2.265 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Sau 2 đợt phát hành, tổng vốn điều lệ tại MB dự kiến tăng từ 45.340 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2022) lên mức 53.683 tỷ đồng.

Cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, Ngân hàng Phát triển TMCP TP HCM (HDBank, HoSE: HDB) chốt ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu là 20/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng. HDBank dự kiến dành phần lớn vốn tăng thêm để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn.

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, HoSE: SHB) chọn ngày 25/7/2023 là ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ được nhận 18 cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Tỷ lệ cổ tức cao hơn ở Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, UPCoM: NAB) khi NAB sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ phát sinh do làm tròn xuống (nếu có) sẽ được hủy bỏ. Ngày 7/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) thông báo ngày 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020, ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/7/2023.

Ngân hàng này sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.

Dự kiến, sau khi phát hành thành công, quy mô vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 47.325 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ đồng.

Chỉ có 6 ngân hàng chia cổ tức tiền mặt

Dù đã được "tháo khoán", nhưng trong các đợt chia cổ tức từ đầu năm tới giờ chỉ có 6 ngân hàng chia cổ tức tiền mặt bao gồm VPBank, HDBank, ACB, TPBank, MB và VIB.

HDBank (HoSE: HDB) đã thanh toán theo kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Những cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng là 30/5 sẽ nhận được 1.000 đồng/cổ phiếu nắm giữ. Ngày thanh toán là 12/6.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB - HoSE: VIB) năm 2022 thu về hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, qua đó mạnh tay chia cổ tức 35% thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt (chia thành 2 đợt 10% và 5%).

Đây là năm đầu tiên ngân hàng chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giữ lại lợi nhuận để củng cố an toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Với 2,1 tỷ cổ phiếu phổ thông lưu hành, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà ngân hàng này đã bỏ ra trong 2 đợt là 3.150 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) của Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%. Với kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2022, ban lãnh đạo đề xuất sẽ sử dụng gần 8.444 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ đồng.

Sau 8 năm, cổ đông ACB mới nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng).

Bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) - đã khẳng định về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt liên tiếp trong 5 năm sắp tới tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 17/5. Theo đó, trong quý 2 hoặc quý 3/2023, các cổ đông VPBank lần đầu tiên nhận cổ tức bằng tiền mặt khi ngân hàng thực hiện chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022.

Cùng với cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, số tiền ngân hàng sẽ dùng để chi trả cổ tức tiền mặt là hơn 2.266 tỷ đồng.

Cuối cùng là Ngân hàng TMCP Tienphong (TPBank - TPB) trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%. TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông nắm giữ gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ./.

PV