Thị trường Việt Nam nhiều dư địa hồi phục

25/06/2023 13:13

Việt Nam có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc bên ngoài.

null

Sản xuất suy giảm do thiếu đơn hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2021, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam gần gấp đôi GDP, tỷ trọng cao nhất trong 5 nước ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Năm 2022, xét về tỷ trọng trong tổng xuất khẩu và nhập khẩu, FDI chiếm hơn 70%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam giảm xuống 45,3 trong tháng 5, tháng thứ ba giảm liên tiếp. Lĩnh vực sản xuất phải đối mặt với sự thu hẹp hơn nữa, do số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, dẫn đến sản lượng và việc làm bị cắt giảm. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhanh xuống mức thấp nhất trong 20 tháng, cho thấy đây là một đợt giảm tốc có thể kéo dài chứ không phải là một đợt giảm nhẹ nhất thời.

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở các mặt hàng chủ lực là gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,7%, điện thoại và linh kiện giảm 16,0%, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, dụng cụ và phụ kiện khác. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu gạo có sự cải thiện đáng kể cả về giá trị và khối lượng, lần lượt là 52,0% và 40,8%.

Xuất khẩu tuy giảm nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu 9,8 tỷ USD nhờ chủ động cắt giảm nhập khẩu mặt hàng đầu vào. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay xét về giá trị nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào của dệt may đã giảm gần 20% trong khi máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện chiếm 1/4 tổng lượng nhập khẩu giảm 13,1% so với cùng kỳ. Xét về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng năm 2023, mức giảm 2,0% thậm chí còn thấp hơn giai đoạn COVID-19. Mặc dù IIP tháng 5 tăng nhẹ 0,1%, nhưng IIP của ngành sản xuất và khai thác đã giảm lần lượt 0,5% và 2,9% so với cùng kỳ. Tương tự, sản lượng sản xuất hàng tháng cũng theo xu hướng giảm. Cụ thể, các mặt hàng chủ chốt đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ như ô tô (-39%), quần áo (-26%), sắt thép (-24%), điện thoại di động (-20%), linh kiện điện thoại (-14%)…

Tình trạng kinh tế chậm lại hiện nay cũng được phản ánh bởi hiệu quả hoạt động thấp ở các doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng nhân viên mới đã ít hơn, trong khi lượng vốn đăng ký giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tạm thời tăng 20,3% và giải thể tăng 6,5% so với cùng kỳ. Về các ngành cụ thể, lĩnh vực bất động sản không chỉ giảm khoảng 61% về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới mà còn tăng khoảng 30% về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù giải ngân vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất cải thiện nhẹ ở mức 6,7% nhưng tổng vốn FDI giải ngân giảm khoảng 1%, còn vốn FDI đăng ký giảm 23% so với cùng kỳ.

Vẫn còn dư địa tăng trưởng

Lực cầu của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì, điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng doanh số bán lẻ danh nghĩa và thực tế. Tổng doanh số bán lẻ danh nghĩa tăng 1,5% so với tháng trước và 11,5% so với cùng kỳ. Tỷ trọng tổng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 trên 2019 tiếp tục cải thiện qua từng tháng nhờ lượng khách Trung Quốc phục hồi.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, bất chấp áp lực toàn cầu từ việc tăng lãi suất, Việt Nam vẫn sẽ duy trì mục tiêu GDP 2023 ở mức 6,5% và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kích thích, trong đó có giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2023 đạt 157 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, bằng 22,2% dự toán. Chính phủ đã chủ động thành lập 5 tổ chuyên trách theo dõi, hỗ trợ chặt chẽ quá trình giải ngân vốn đầu tư với mục tiêu đạt tối thiểu 95% kế hoạch giải ngân của Thủ tướng Chính phủ.

Trái ngược với đầu tư phát triển, thu ngân sách nhà nước 5 tháng lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước ở các khoản mục chính như thu nội địa (-1,1%), thu từ dầu thô (-12,9%) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (-19,5%); và đạt 47,5% kế hoạch, thấp hơn khi so với 57,1% cùng kỳ năm 2022. Đề xuất giảm thuế GTGT của Chính phủ cũng đang được Quốc hội xem xét thông qua sớm, điều này cho thấy nỗ lực kích thích cầu nền kinh tế của Chính phủ.

Trong khi sự mất giá của đồng Euro và CNY có thể được giải thích là do suy thoái kỹ thuật của Đức và sự phục hồi yếu kém của Trung Quốc, thì các đồng tiền khác cũng bị mất giá chủ yếu do tâm lý sợ rủi ro, chẳng hạn như yên Nhật (2,8%), baht Thái (1,9%), đô la Singapore (1,4%), peso Philippine (1,4%) và rupiah Indonesia (2,0%). Trong khi đó, VND chỉ mất giá 0,1%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VND có thể sẽ biến động do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Trong 10 năm qua, VND mất giá 7 lần trong tháng 6 và 6 lần trong tháng 7. Điều này do các doanh nghiệp FDI thường có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước trong những tháng này. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng VND sẽ tiếp tục ổn định. Do áp lực lạm phát toàn cầu đã giảm bớt, Fed và ECB dự kiến sẽ sớm ngừng chính sách thắt chặt tiền tệ, điều này cuối cùng sẽ cho phép DXY (USD Index) giảm giá trở lại./.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Thị trường Việt Nam nhiều dư địa hồi phục" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.