Kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% năm 2023

29/06/2023 12:45

Trên cơ sở những dự báo tình hình kinh tế, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023: kịch bản thấp đạt 5,5%; kịch bản cơ sở là 6% và kịch bản cao là 6,5%.

null
Kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% năm 2023. Ảnh minh họa

3 kịch bản tăng trưởng

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định, chính sách hỗ trợ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một trong những nền tảng rất tốt để giúp khôi phục lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và tiêu dùng trong nước. Với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô thì chúng ta mới có nền tảng khiến cho lòng tin của thị trường quay lại.

Yếu tố thứ hai là sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương để giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, trước hết là những vướng mắc và khó khăn về quy trình, thủ tục các điều kiện kinh doanh.

Yếu tố thứ ba đó là sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ví dụ liên quan đến việc tìm kiếm các thị trường, đơn hàng mới cũng như phục hồi tiêu dùng trong nước của chúng ta. Đấy cũng là một cứu cánh trong ngắn hạn để giúp cho doanh nghiệp chống chịu và có thể thích ứng, quay trở lại phục hồi sản xuất kinh doanh một cách tốt nhất".

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường liên kết doanh nghiệp trong bối cảnh mới, báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách trong điều hành vĩ mô. Đáng chú ý, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Trên cơ sở những dự báo tính hình kinh tế, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023. Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 là 6,5%.

Giám đốc Viện FNF tại Việt Nam Andreas Stoffers cho rằng, các chính sách điều hành kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước, lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như căng thẳng chính trị, xung đột Nga - Ukraine vẫn gây ra những bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục tăng trưởng toàn cầu và các đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam như EU, Mỹ; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI do liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn yếu, điều này tạo ra thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế.

Đột phá về thể chế

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế Việt Nam, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế, theo các chuyên gia, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, trong ngắn hạn cần có các giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, trong đó tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp.

Các cơ quan chức năng cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi, cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Cần tiến hành kéo dài chính sách giảm 2% thuế GTGT trong năm 2023, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay.

Ngoài ra, cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Về các giải pháp trung và dài hạn, ông Việt nhấn mạnh, bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Theo đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA (ví dụ EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, Chile, Canada… chưa có FTA với phần lớn các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong ASEAN, Trung Quốc).

Do đó, lợi thế thuế quan theo các FTA là công cụ quan trọng để hấp dẫn các khách hàng quay trở lại đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, VERP đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA

Cùng với đó, cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thuỷ sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; Có chiến lược cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư mạnh mẽ hơn để giữ vững được dòng vốn đầu tư nước ngoài, thích ứng với sự thay đổi lớn của nhiều chính sách đầu tư toàn cầu mới như thuế tối thiểu toàn cầu…

Châu Giang
Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% năm 2023" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.