Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro

12/06/2023 09:53

Với lợi nhuận liên tục tăng trưởng, Vietcombank được đánh giá là một ngân hàng có chất lượng dịch vụ tốt, uy tín và ban lãnh đạo có năng lực. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro khi liên quan đến tiền ảo và chất lượng nợ suy giảm.

Nợ xấu quý I/2023 tăng mạnh 27,1%

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam- Vietcombank (HoSE: VCB) có lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế đạt 11.221 tỷ đồng và 8.992 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Cụ thể, trong kỳ vừa qua, thu nhập lãi thuần của VCB đạt hơn 14.200 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ bất ngờ giảm mạnh hơn 46%, xuống còn 1.456 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 18.517 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2022. Trong khi chi phí hoạt động tăng 17% lên 5.274 tỷ đồng, với chi lương và phụ cấp cho nhân viên chiếm một nửa (2.626 tỷ đồng). Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động, lãi thuần của Vietcombank trong quý I đạt 13.243 tỷ đồng, tăng 8,3%.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,174 triệu tỷ đồng, tăng 2,5%. Trong đó, nợ xấu tăng 27,1% lên 9.942 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Trước đó, hồi tháng 4/2023, theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2023, về kết quả kinh doanh, lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm 2022 của Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022 đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Trong năm 2022, lượng bất động sản thế chấp tại Vietcombank đã tăng thêm gần 397.000 tỷ, lên hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank trong năm 2022 đã tăng thêm hơn 477.000 tỷ đồng (tăng 29,2%), lên trên 2,11 triệu tỷ đồng. Trong đó, bất động sản là cấu phần lớn nhất, chiếm gần 74% tổng lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank với hơn 1,56 triệu tỷ. So với cuối năm 2022, lượng bất động sản thế chấp tại Vietcombank đã tăng thêm gần 397.000 tỷ và là bộ phận có tốc độ tăng nhanh nhất.

Về nợ xấu, VCB được đánh giá là ngân hàng kiểm soát nợ xấu hiệu quả nhất, trong giai đoạn 6 tháng, dư nợ cho vay VCB tăng, nợ cần chú ý tăng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh mẽ, chỉ nợ có khả năng mất vốn tăng ít nhất 6%. Chỉ duy nhất, nợ nghi ngờ giảm 32%. Theo giải trình của ngân hàng, lợi nhuận nửa đầu năm 2022 tăng 28% là do giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 3,63% (tương đương 493 tỷ đồng), tương đương 1/6 mức lợi nhuận tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn chung 4 nhóm nợ không đủ tiêu chuẩn của Vietcombank tăng rất mạnh, chỉ duy nhất nhóm nợ nghi ngờ được điều chỉnh lên để giảm dự phòng. Đây cũng là phương án thường xuyên được sử dụng của Vietcombank.

Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2023, mức lương của lãnh đạo Vietcombank vào dạng “khủng”, khi Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng (sinh năm 1973) có mức lương 75 triệu đồng/tháng kể từ tháng 6/2018. Mức lương năm 2022 (sau thuế) của ông Dũng lên đến 3,1 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, phần thu nhập thực nhận năm 2022 của Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1974) là 2,999 tỷ đồng/năm.

Vietcombank có vai trò gì với con nợ “tỷ đô” Trung Nam Group

Về các khoản nợ, Vietcombank hiện đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án. Trung Nam Group là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện năng lượng tái tạo khi sở hữu nhiều dự án quy mô lớn, vốn chủ sở hữu ở mốc trên 27.900 tỷ đồng, lãi ròng năm 2022 đạt 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Xét đến các khoản nợ, nợ phải trả trong năm 2022 của Trung Nam Group cũng tăng hơn 5,5% lên mức trên 68.100 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm đạt 24.285 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng gần 1.400 tỷ và chiếm gần 36% tổng nợ. Dư nợ khổng lồ này do Trung Nam Group liên tục huy động trái phiếu để tài trợ loạt dự án năng lượng.

Liên quan đến Vietcombank, hiện nhà băng này đóng vai trò quản lý tài sản đảm bảo của khoản trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng với kỳ hạn 5.106 ngày của Công ty CP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thành viên của Trung Nam Group). Năm 2022 vừa qua, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 có kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi báo lỗ gần 859 tỷ đồng (đây là chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng - lớn nhất Việt Nam).

Đáng chú ý, vào cuối tháng 2/2023, Trung Nam Đắk Lắk 1 là một trong 3 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group bị HNX điểm tên trong danh sách 54 doanh nghiệp chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam và Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Ngoài ra, theo thông báo từ Vietcombank, ngân hàng còn thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100MW tại Trà Vinh của Trung Nam Group. Năm vừa qua, lợi nhuận của công ty Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam bốc hơi 80% còn 81 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty Điện mặt trời Trung Nam giảm 12% về 251 tỷ đồng.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao và hoạt động kinh doanh không mấy khả quan, việc đầu tư vào Trung Nam Group hiện nay được các nhà đầu tư cho rằng đây là một khoản đầu tư rủi ro và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hỗ trợ sàn giao dịch tiền ảo Remitano

Về hoạt động kinh doanh, Vietcombank cũng ghi nhận hỗ trợ linh hoạt cho nhà đầu tư chuyển tiền qua sàn giao dịch điện tử trực tuyến Remitano để mua bán tiền ảo. Đây là một sàn giao dịch trực tuyến lớn tại TP.HCM nhờ vào việc được một số ngân hàng hỗ trợ. Remitano giới thiệu, khi đăng ký tài khoản trên Remitano, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua và bán ngay lập tức.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Cụ thể, theo quảng cáo trên trang web của Remitano: “Remitano dùng để lưu trữ tiền Việt hỗ trợ cho khách hàng có thể mua Bitcoin/Ethereum/... mà không phải mất thời gian chờ người bán xác nhận, giao dịch sẽ được hoàn thành ngay tức khắc nếu bạn có số dư VND tại Remitano. Với chức năng này bạn chỉ cần nạp tiền vào Remitano và sau đó bạn có thể mua Bitcoin/Ethereum/... từ người bán tại danh sách người bán hoặc tạo quảng cáo mua. Người bán cũng có thể chọn sử dụng Ví VND khi bán, tiền sẽ được cộng vào tài khoản Remitano, bạn có thể sử dụng số tiền này để tiếp tục giao dịch hoặc rút về tài khoản ngân hàng của bạn bất cứ khi nào”.

Như vậy, Vietcombank hỗ trợ tối thiểu 2 giải pháp cho giao dịch tiền ảo: Hỗ trợ linh hoạt cho nhà đầu tư chuyển tiền qua sàn giao dịch điện tử trực tuyến Remitano để mua bán tiền ảo; Hỗ trợ khách hàng quản lý tài sản, giao dịch mua bán tiền ảo qua cá nhân

Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Ngoài tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước cũng từng nhắc lại quan điểm về các sàn đầu tư Forex (thị trường phi tập trung giao dịch các loại ngoại tệ). Theo đó, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đến nay, cơ quan này chưa cấp phép cho sàn giao dịch Forex nào cả. Vì vậy, những tổ chức hoạt động trên sàn Forex hiện nay là trái pháp luật, cần được xử lý theo quy định.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money.

Hồi năm 2018, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.

Bức tranh hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn tiềm ẩn rủi ro
 

Các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; Rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.

Như vậy, Vietcombank hỗ trợ linh hoạt cho nhà đầu tư chuyển tiền qua sàn giao dịch điện tử trực tuyến Remitano để mua bán tiền ảo liệu có hợp pháp theo quy định của Chỉ thị số 02/CT-NHNN?

PV