Thanh Hóa: Hơn 29.000 m2 đất công giao cho Công ty Hải Hà không qua đấu giá

07/07/2021 14:27

Được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê để xây dựng trung tâm thương mại nhưng sau đó, hơn 29.000 m2 ‘đất vàng’ này đã biến thành khu dân cư để bán mà không qua đấu giá.

Thanh Hóa: Hơn 29.000 m2 đất công giao cho Công ty Hải Hà không qua đấu giá

Được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê để xây dựng trung tâm thương mại nhưng sau đó, hơn 29.000 m2 ‘đất vàng’ này đã biến thành khu dân cư để bán mà không qua đấu giá.

Đất trung tâm thương mại ‘biến’ thành biệt thự liền kề, shophouse để bán

Việc đấu giá quyền sử dụng các khu “đất vàng”, khu đất đắc địa đã được các tỉnh, TP triển khai nhằm quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Đấu giá đất còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và triệt tiêu cơ chế “xin-cho”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều vị trí được xem là “đất vàng” tại các tỉnh, TP lại được địa phương giao thẳng cho doanh nghiệp, không qua đấu giá. Việc này không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn để lại nhiều sự hoài nghi cho dư luận về việc có hay không “lợi ích nhóm”.

Sự việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển đổi mục đích đất từ cho thuê xây dựng trung tâm thương mại sang đất khu dân cư tại huyện Quảng Xương khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi.

Sự việc bắt đầu từ háng 1/9/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3087/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty TNHH Nguyên Hà để giao lại cho Công ty Cổ phần thương mại Hải Hà (Công ty Hải Hà) thuê 29.310m2. Theo đó, khu đất này nằm trên địa bàn xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty Hải Hà để sử dụng vào mục đích xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ phân phối ôtô. Thời hạn thuê đất đến ngày 4/2/2055, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

null
Dự án trung tâm thương mại và dịch vụ phân phối ôtô "biến" thành các shophouse, biệt thự liền kề. 

 

Trong quyết định này, UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Công ty Hải Hà phải thực hiện đúng cam kết hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình của dự án cho đến hết quý III năm 2011 và đưa vào hoạt động trước tháng 12 trong năm.

Trong trường hợp không thực hiện đúng cam kết, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật và không được bồi thường bất kỳ khoản kinh phí đầu tư nào. Tuy nhiên, nhận giao đất, doanh nghiệp này không thực hiện theo cam kết, vì thế, tháng 6/2012, Sở TN&MT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Đến ngày 8/7/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có thông báo yêu cầu Công ty Hải Hà có văn bản cam kết tiến độ thực hiện dự án báo cáo tỉnh trước ngày 15/7/2013.

Điều khiến dư luận bất ngờ là vẫn chưa thực hiện việc triển khai xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ phân phối ôtô, Công ty Hải Hà đã lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở.

Cụ thể, tháng 5/2016, Công ty Hải Hà đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương từ đất Trung tâm thương mại sang đất ở. 6 tháng sau, căn cứ vào sự tham mưu của Sở TN&MT tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa  đã chấp thuận cho Công ty Hải Hà được lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu dân cư tại khu đất thuê làm trung tâm thương mại dịch vụ và phân phối ôtô.

Đến ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 2375/QĐ-UBND quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư – Kinh doanh hạ tầng khu Dân cư Hải Hà. Theo đó, tên dự án là Đầu tư xây dựng – Kinh doanh  hạ tầng khu dân cư Hải Hà; Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại Hải Hà. Trong phần mục tiêu đầu tư có việc kinh doanh phần diện tích đất ở chia lô và các nhà xây thô theo Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu dân cư Hải Hà.

Diện tích đất thực hiện dự án là 29.310 m2, trong đó 16.589 m2 đất ở; hơn gần 2.000 m2 đất công cộng, gần 11.000 m2 đất hạ tầng kỹ thuật. Tiến độ dự án dự kiến đưa vào khai thác, kinh doanh vào quý I năm 2020.

Văn bản trên do ông Lê Anh Tuấn khi đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký. Ông Lê Anh Tuấn hiện nay là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Doanh nghiệp được “ưu ái”?

Theo phương án giá đất cụ thể làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước thực hiện dự án, Dự án Đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu dân cư Hải Hà tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương có giá trị quyền sử dụng đất và giá đất trong quyết định nêu rõ, tổng doanh thu phát triển quy về hiện tại là hơn 97,4 tỉ đồng; tổng chi phí phát triển quy về hiện tại là hơn 68,3 tỉ đồng; Giá trị quyền sử dụng đất (diện tích đất ở được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất ) là hơn 29 tỉ đồng.

19-1625184544-shop-huose-cua-du-an-hai-ha-1625642793.jpg
Trên một số trang bất động sản, các căn liền kề được rao bán với giá 1,3 tỉ đồng/căn, trong khi đó shophouse có giá gần 3 tỉ đồng. 

 

Như vậy, tổng số diện tích đất có thu tiền sử dụng là 16.648,7 m2, giá trị quyền sử dụng đất đối với phần đất ở là hơn 29 tỉ đồng, tương đương hơn 1,7 triệu đồng/m2.

Theo quảng cáo trên trang Thaihoaland.info, Khu dân cư Hải Hà hay còn gọi với cái tên thương mại là Green Park Thanh Hóa. Dự án này do Công ty Cổ phần Thương mại Hải Hà làm chủ đầu tư với quy mô 30 lô shophouse và 156 lô liền kề.

Trên một số trang mạng bất động sản, một căn liền kề tại Green Park Thanh Hóa được bán với giá 1,3 tỉ đồng. Trong khi đó, một căn shophouse 4 tầng được rao bán với giá gần 3 tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu khu đất hơn 29.000 m2 tại huyện Quảng Xương được đem ra đấu giá, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ thu về được cả trăm tỉ đồng.

Diễn biến mới nhất, ngày 7/6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 7779/UBND-CN về việc rà soát trình tự, thủ tục đầu tư dự án Khu dân cư Hải Hà, huyện Quảng Xương.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét báo cáo kết quả rà soát trình tự, thủ tục đầu tư dự án này tại Công văn số 3401/SKHĐT-KTĐN nêu trên của Sở Kế hoạch và Đầu tư; có ý kiến đánh giá về sự phù hợp với quy định của pháp luật trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục của dự án trên (nhất là trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 21/6/2021.

Ngay sau khi văn bản này được đưa ra khiến nhiều nhà đầu tư vào dự án Khu dân cư Hải Hà cảm thấy lo lắng. Bởi giả sử trong trường hợp dự án này bị đình chỉ hoặc thu hồi thì “rủi ro” sẽ thuộc về họ.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Cần phải xem lại việc UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá có đúng quy định hay không”.

Theo Luật sư Huy An, pháp luật hiện yêu cầu nếu chuyển đích sử dụng sang đất ở thì cần phải áp dụng hình thức đấu giá đất. Tuy nhiên, tại dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao đất có thời hạn 50 năm (tức là về thời gian vẫn là đất thuê) nhưng thực tế lại là quy định luôn là giao đất có thu tiền sử dụng đất và có sổ đỏ lâu dài. Đây là điều cần phải xem xét lại.

Luật sư Huy An dẫn chứng, Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất gồm các trường hợp: a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; e) Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước.

“Theo Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì việc UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể tổ chức đấu giá khu đất hơn 29.000 m2 để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Có lẽ lúc này, không chỉ các nhà đầu tư mà người dân tỉnh Thanh Hóa cũng rất mong Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh kiểm tra việc giao đất tại dự án này để làm sáng tỏ”, Luật sư Huy An nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.

Cụ thể, Việt Nam lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, trong đó có phát triển xanh. “Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 

Minh Anh