“Jeune vietnamienne alanguie” khắc họa hình ảnh người con gái trẻ đang ngồi một mình suy tư, sáng tác 1932, chất liệu Sơn dầu trên vải, kích thước 110,5 x 170,5 cm. Đây là một tác phẩm vẽ sơn dầu khổ lớn, từ năm 1932 hiếm hoi, của họa sĩ Lê Phổ trong giai đoạn đang ở Hà Nội.
Xét riêng về sơn dầu của Lê Phổ, tổng hòa ở đó là sự học hỏi không ngừng của người họa sĩ mang đậm phong cách đặc tính dân tộc. Ông đưa nhiều âm hưởng văn hóa độc đáo thông qua những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam như áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá.
Lê Phổ cũng từng sang Bắc Kinh để tận mắt chứng kiến và học hỏi thêm để áp dụng vào sáng tác cũng như phát triển thêm. Cộng với bầu không khí lãng mạn, nhẹ nhàng, tranh lụa của Lê Phổ chính là kết quả của minh triết phương Đông đan cài với lối sống Tây phương. Các tác phẩm điển hình của ông càng ngày càng được đông đảo công chúng cả nước nhà lẫn quốc tế biết tới trên thị trường công khai trong hơn 10 năm trở lại đây.
Năm 1931 họa sĩ Lê Phổ đã được đưa tác phẩm của mình qua trưng bày ở Đấu xảo Paris, mở ra một cơ hội để ông được nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật.
Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp. Theo đó có nhiều cách khu biệt nghệ thuật của Lê Phổ, song có thể phân tách thành các giai đoạn: những năm tháng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm việc tại Hà Nội và khoảng thời gian đầu sau khi định cư tại Paris; thời gian hợp tác độc quyền với galerie Romanet; thời gian hợp tác độc quyền với gallery Wally Findlay.
Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng sai biệt Đông - Tây. Bởi lẽ khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được học chương trình học mỹ thuật Âu châu nhưng khi sáng tác lại được hướng về nghệ thuật dân tộc.
Khi nghĩ về tranh của Lê Phổ, có một cái mới được tạo ra trên nền tảng gốc là bản sắc dân tộc. Kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.