Tháng 6
Thơ: Nguyễn Tiến Thanh
Lời bình: Nguyên Tô
Nếu trời hôm đó như anh đã
Xa một con đường xa vắng xa
Đương nhiên mưa sẽ rơi nhòa phượng
Rực một phương người leo lét hoa
Nếu ngày hôm đó như anh đã
Quên một cây đàn trong đáy tim
Đương nhiên môi sẽ ngân lời đá
Lạnh một sân trường loang nắng in
Nếu chiều hôm đó như anh đã
Lưu bút, lưu lời, lưu giấc mơ
Đương nhiên rượu đổ tràn đêm hạ
Cả một trời men, trôi tiếng ve
Nếu mùa hôm đó như anh đã
Quay lưng về phố, gió huy hoàng
Đương nhiên tháng 6 bay đầy hạ
Không một oi nồng, không tiếng vang
Nếu rừng hôm đó như anh đã
Thênh thang ngồi ngóng tóc mưa nguồn
Đương nhiên hoa cỏ triền miên thức
Chưa buồn nhưng nhớ đã mênh mông
Nếu hồ hôm đó như anh đã
Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim
Đương nhiên sóng vỗ miền phiêu dạt
Tím cả tà dương lẫn lục bình.
Nếu thật, đã đành, không nếu nữa
Tháng 6 xưa này tháng 6 đây
Hôm đó ơi đừng hôm đó nhé
Mặt trời xuống núi, tóc em bay.
Xuân muộn trong miên man những bụi mướt lướt qua vai xôn xao, gió và mặt cỏ non bâng khuâng chậm trôi trong những khoảnh khắc mùa, thì hạ đã náo nức trong ngòi bút Nguyễn Tiến Thanh. Dĩ nhiên anh đã qua nỗi đợi chờ nắng hạ của màu loang tràn mực tím, nhưng cái vơi đầy mỏi mong nắng mang tháng 6 thì “đợi đến ngày ấy anh sẽ nói”. Tháng đốt cháy lấp láy góc trời ấy, ai cũng cất cho riêng mình. Đợi chờ.
“Nếu trời hôm đó như anh đã
Xa một con đường xa vắng xa
Đương nhiên mưa sẽ rơi nhòa phượng
Rực một phương người leo lét hoa”
Một giả định dễ thương náu đợi “nếu…nếu” và anh trên một con đường “xa vắng xa”. Thơ day dứt gieo thương nhớ là khi không cất lên khoảnh khắc hiện tại, mà réo rắt tự vắng xa. Thường thì con người khi ở một độ lùi thời gian nhất định để nhìn ngắm khoảnh khắc vụt trôi, lúc đó, ta sẽ tỏ tường lòng mình. Và một bức tranh lộng lẫy thắp lên, mưa như là hư ảo, huyết phượng nhỏ góc trời, người nhập nhòa. “Phương” vốn là một từ mang ý nghĩa địa lý, nhưng qua con mắt thi sĩ đã trở lên: “phương người” - phương tình yêu. Nơi mùa tháng 6, phượng lặng lẽ thắp trời đỏ dậy, có lẽ là kí ức tâm trạng sống động nhất về một bầu tuổi trẻ vỡ tan theo những giọt ngời ngời mưa hạ. Mùa chia xa tuổi trẻ, ký ức học trò trinh nguyên mãi niêm đóa tinh khôi ban đầu. Ai cũng có tuổi 17 của riêng mình, bông phượng đỏ trong lòng tay học trò ngẩn ngơ.
“Nếu ngày hôm đó như anh đã
Quên một cây đàn trong đáy tim
Đương nhiên môi sẽ ngân lời đá
Lạnh một sân trường loang nắng in”
Khổ thơ thứ nhất, nhân vật trữ tình là anh trong một cuộc chia xa, thì khổ 2 anh được nhìn qua một cây đàn hư ảnh ở cõi tim. Kết nối: “Đáy tim - lời đá - lạnh”, sẽ tạc tượng bối cảnh im lìm khi những dấu chân học trò dường như đã trả lại cho sân trường khoảng hè lộng lẫy, thì “cây đàn – môi - loang nắng” lại thổi vào đó khoảng láp láy thương đến nao nát hồn. Thơ Nguyễn Tiến Thanh dù từ biệt tuổi 17 nhưng phượng vẫn bừng lên, khúc học trò réo rắt về hồn. Bồi hồi. “Loang nắng” hay “vết mực” loang, đã tràn vào độc giả niềm thổn thức. Chỉ có thơ Nguyễn Tiến Thanh mới làm được điều ấy.
Nhà thơ như chung chiêng giữa đôi bờ thực, ảo; hiện hữu, đã mất. Một đêm mùa hạ êm như nhung, đính những chấm sao huy hoàng vào miền thổn thức, trang lưu bút nét chữ thân thương, lời ngập ngừng, giấc mơ giấy trắng, tiếng ve. Tất cả ngân vọng trong cả trời men rượu trôi. Hạ thênh thang là thế, sao anh đi và chỉ thấy mình gặp mình.
Men thoảng trong lá gió đưa anh về phố. Bụi Kinh kỳ mang theo nhập nhoạng của một chàng trai đã ngai ngái đưa trôi tuổi mộng. Còn đây, bẽ bàng con phố, lẻ loi những gốc thời gian. Tháng 6, “gió huy hoàng”, tháng 6 đành quay lưng, đánh rơi ký ức, “không một tiếng vang”.
“Nếu mùa hôm đó như anh đã
Quay lưng về phố, gió huy hoàng
Đương nhiên tháng 6 bay đầy hạ
Không một oi nồng, không tiếng vang”
Nhưng không, tuyệt đối không, lạnh lùng chỉ là tấm áo che đậy, khi một mình xuyên không, ở nguồn, anh vẫn thao thiết một dòng nhớ vỡ òa. Nỗi buồn thênh thang, nỗi nhớ huy hoàng. Tóc ai như gió thoảng miền hư hao, cỏ hoa dậy dụa, anh trong cơn mê hoang loang tràn.
Và lạ kì, từ chân trời thắm đỏ của cánh buồm tuổi trẻ, luyến lưu chẳng rời, một “ưu thuyền” hiện hữu. Ngôn từ anh chất chứa đã đánh “Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim”. Thơ xưa chỉ là “thuyền chở trăng”, “thuyền gối bãi”, “thuyền tình”, thơ nay “ưu thuyền”. Nguyễn Tiến Thanh gọi tên nỗi buồn của mình bằng một từ Hán Việt, đặt tâm trạng làm yếu tố chính - “ưu thuyền”.
Một nỗi buồn thơ thanh, chạy từ thuở tim trai ngây dại, đến giờ đã đầy trầy xước vẫn lênh đênh một cõi thi nhân “ngơ ngác tim”. Anh trẻ hóa nỗi buồn trung niên.Và “tà dương” dập dềnh lục bình tím đỏ phượng, trời học trò ở đó đâu lại thầm thĩ gọi về. Là gió, là áo trắng, là mực tím, là cơn mưa giữa mênh mang trắng xóa một thời tuổi gọi. Nguyễn Tiến Thanh sẽ là gì, nếu thơ anh mất đi khoảng nắng loang tràn tháng 6?
Một áng thơ đẹp, vừa đủ gọi nỗi buồn xôn xao, gõ vào vi vút xa xưa mùa về. Và những “ưu thuyền” chở tóc em gió thương, môi em đàn mềm sẽ phong kín dấu yêu, dù đã vuột khỏi cánh thời gian.