Thì thầm dòng sông (Truyện ngắn)

13/07/2023 16:42

"Trên bến sông này, Hiên đang hiện diện nơi đây, làn gió nhẹ thổi bay làn tóc rối, con sóng lăn tăn xô bờ nước hiền hòa, êm ả, chỉ lòng Hiên là xáo động khi nhìn dòng nước trôi đi không trở lại, lòng dâng trào một cảm xúc xao xuyến bồi hồi".

Con đường đầy rơm rạ khiến chiếc xe chốc chốc lại chồm lên sau mỗi lần vít tay ga. Phía dưới, sóng đôi với con đường là dòng sông Thia xanh biếc lững lờ êm trôi. Từng làn gió phả hơi nước vào mặt Hiên mát rượi, vừa đi Hiên vừa hình dung ra quang cảnh nơi đây sau hơn 20 năm trời xa cách. Kia là bến nước có gốc si già quanh năm tỏa bóng mát, Hiên như nghe thấy văng vẳng đâu đây tiếng cười rộn rã của lũ trẻ, mỗi trưa hè lùa đàn trâu xuống rồi cùng đùa giỡn với dòng nước trong xanh mát lành.

23-1689241214.jpg
Ảnh minh họa.

Còn đây là mảnh ruộng phần trăm mà mấy bác trong làng cho nhà Hiên mượn cấy lúa, nơi cứ xong mùa gặt, ruộng vừa được cày tháo nước ngập, là chị em Hiên đi hớt bèo tấm về thả nuôi cho kín ruộng, vừa cho lợn ăn vừa làm phân xanh cho vụ tiếp sau, hàng ngày đốt rơm lấy tro rồi sáng sớm mùa đông sương vẫn còn mờ mịt, rắc tro lên mặt bèo, lấy cây vỗ nhẹ tro chìm xuống rễ, được ăn đủ tro, cánh bèo xanh mơn mởn chứ không đỏ quạch như lá bàng mùa đông nữa.

Còn kia là gốc cọ già nay đứng trơ trọi trên mô đất trống, đung đưa chiếc ô xanh giữa nền trời xanh thăm thẳm. Qua cây cầu nhỏ, bắc qua dòng mương cũng nhỏ xíu nhưng quanh năm nước đầy, trong vắt, chảy từ con đập phía thượng nguồn về tưới mát cho cánh đồng thẳng cánh cò bay của xã Đại Hùng. Nghe đâu cánh đồng này xưa kia là sân bay của thực dân Pháp xây dựng và cai quản, trên mảnh đất bằng phẳng giữa một vùng đồi núi lô xô như bát úp bao bọc xung quanh. Đây rồi ngôi nhà nhỏ bên chiếc mố cầu treo nối hai làng ven sông, nhưng đã bị máy bay ném bom gãy gục. Đây là ngôi nhà của trạm Thủy văn, xưa là dãy năm gian lợp cọ nay được xây dựng khang trang sạch sẽ, nơi đây lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của mấy chị em Hiên ngày ấy. Dựng chiếc xe máy dưới gốc vải đầu ngõ, Hiên bước vào sân, cây sấu già cuối vườn vẫn sum suê, rụng đầy lá vàng dưới gốc vương cả vào trong sân, bóng của nó đã bao trùm cả khu nhà, hình như chủ nhân đi đâu đó cửa vẫn khép hờ, chú cún con thấy khách chẳng sủa tiếng nào mà vẫy đuôi rối rít, rên ư ử như đón chủ đi đâu lâu lắm mới về nhà. Hiên đến bên cây sấu, sờ lên thân cây xù xì mốc trắng, áp tai vào cây như nghe thấy những lời thầm thì kể câu chuyện xa xưa.

- Có phải Hiên con chú Miền đấy không? Bỗng lời nói cất lên ngay sau lưng đưa Hiên trở về với thực tại. Quay lại thấy một người làm đồng quần áo còn lấm đầy bùn và mồ hôi rịn ra trên trán.

- Ơ… Sao anh biết tên tôi, lại cả bố tôi nữa?

- Tôi thấy Hiên từ lúc rẽ vào con đường đất tới đây, ruộng nhà tôi kia.

- Thế ra anh…

- Hiên chẳng nhận ra tôi đâu nhỉ, tôi là Ve, “Ve trâu” đấy, hồi xưa đi học hay bắt nạt chị em Hiên, Hồng nhất đấy!

- Ôi… Trời ơi! Nhớ ra rồi.

Cái người tên “Ve trâu” ấy là nỗi sợ hãi của chị em Hiên một thời, bây giờ đứng trước Hiên gãi gãi đầu cười hiền khô như cục đất. Ký ức nối tiếp ký ức, vui buồn đan xen nhưng tất cả đều gọi lên chút tiếc nuối. Ngôi nhà nằm riêng biệt ngoài bờ sông xa hẳn khu dân cư chạy dọc chân đồi phía trong, được bao bọc một bên là cánh đồng lúa, một bên là dòng sông Thia xanh mát, nên trạm trở thành nơi dừng chân nghỉ ngơi giữa giờ giải lao khi làm đồng, hoặc vào xin ngụm nước mưa cho đỡ khát, đặc biệt họ chỉ thích nước mưa trong bể, nước đun sôi lại bảo không mát ruột. Dân quanh trạm chủ yếu là người dân tộc Tày, xã chia làm hai nửa riêng biệt một nửa hất lên từ trung tâm xã có trường học, nhà ủy ban, trạm xá là người dân tộc định cư, nửa còn lại hất xuống phía dưới đại đa số là người Kinh nhưng theo đạo Thiên Chúa Giáo.

Hồi đó cả xã mới có một ngôi trường chung cho cả hai cấp 1 và 2, chị em Hiên, Hồng là người ở nơi khác theo bố mẹ về làm việc ở mảnh đất Đại Hùng này, nên khá khác biệt với trẻ em miền núi lại là người dân tộc nữa. Mấy bạn đó nói được hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ, nhưng khi giao tiếp với nhau toàn nói tiếng mẹ đẻ nên chị em Hiên chẳng hiểu gì cả, ngược lại bọn con trai rất hay trêu chọc chị em Hiên, đến khi nào phát khóc thì tụi nó quay ra cười với nhau thích thú, ngày nào cũng như ngày nào đi học là bị lôi nón, lấy dép, vẩy mực vào quần áo, có hôm còn bị bắn cả nịt cao su đến tím cả tay chân. Có mách cô giáo thì cũng chỉ được một hai hôm rồi đâu lại đóng đó, Hiên nhớ hồi đó có Lành là hay bênh vực cho mình nhất, mỗi khi bọn con trai và “Ve trâu” trêu chọc Lành thường đứng ra can ngăn.

- Không được đánh nó, tôi về mách bố nó cho mà xem.

- Tôi đếch sợ, bố nó chẳng biết nhà tôi mà sợ.

- Tôi tới chỉ nhà cho bác ấy… Xem còn dám bắt nạt kẻ yếu nữa không?

Thế mà bọn nó có vẻ sợ câu nói của người bạn gái bé nhỏ ấy thật, mãi về sau Lành mới nói cho Hiên biết nguyên nhân mình hay bị bắt nạt đến như vậy, là do Hiên học giỏi đều tất cả các môn, những lần kiểm tra Hiên thường làm xong rồi nhanh nhảu nộp bài trước thời gian quy định, nhiều lúc tụi nó gọi bảo: “Cho tao xem một tí”. “Không, kiểm tra phải trung thực chứ”. Vì không cho tụi nó chép bài nên chúng ghét và tìm mọi cách trêu chọc, chị em Hiên khổ sở mấy năm học cấp 1 và cả những năm đầu cấp 2 nữa. Khi học xong lớp 7 hệ mười năm tức là tốt nghiệp cấp phổ thông cơ sở, Hiên xa bố mẹ và mảnh đất Đại Hùng, với biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi thơ để lên huyện học tiếp. Tụi bạn trẻ con của Hiên, ở cái làng chỉ cách trung tâm huyện lỵ có chục cây số ấy chẳng thích học hành gì cả, chả đứa nào học lên cao nữa, hết cấp 2 theo nhau ở nhà làm ruộng, lên rừng trồng quế, lấy vợ gả chồng sinh con đẻ cái chí thú làm ăn, thi thoảng Hiên ghé về chỗ làm việc của bố mẹ chơi cũng gặp một vài đứa bạn, con bế con bồng mà thấy cứ tồi tội thế nào ấy. Trời ơi! Tuổi mình còn đang đi học cấp 3 mà đã bồng bế thế kia ư? Nhưng mấy đứa chỉ cười.

- Hiên học giỏi mới học lên được chứ, tụi mình chỉ biết làm ruộng thôi.

- Tại các ấy không muốn chứ cố gắng vẫn giỏi được mà.

- Nhưng tụi mình đi học thì lấy ai làm việc cho bố mẹ, nuôi các em nữa chứ!

Ừ nhỉ, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nghèo, đã thế hủ tục tảo hôn vẫn tồn tại, nhà đông con là phổ biến, ruộng nương cũng chỉ có hạn chịu khó quanh năm cũng chỉ đủ ăn nên chả ai nghĩ chuyện cho con cái đi học, họ bảo học biết cái chữ tính toán công hợp tác là được rồi. Ngồi nói chuyện với Ve một lát thì chú chủ nhà đi đâu về, Ve ra đồng làm tiếp bảo Hiên trưa qua nhà ăn cơm gặp Lành chắc vui lắm, chẳng ngờ Ve với Lành lại về chung một nhà, và giờ đã có ba nhóc tì sống rất hạnh phúc. Chú Vinh rất vui vì biết Hiên là con gái của anh Miền, ngày trước anh em có biết nhau, lại là nơi xưa Hiên từng ở chú hỏi.

- Cháu thấy nơi đây thế nào, có khác xưa nhiều không?

- Dạ, cũng chẳng khác xưa là mấy, vẫn dòng sông xanh mát vẫn xóm làng yên ả… Về lại nơi đây thật thích chú ạ, ngoài phố thị ồn ào náo nhiệt quá nhiều khi cũng thấy mệt mỏi.

- Đúng đấy cháu, càng có tuổi càng muốn hướng về nơi làng quê tìm chút tĩnh lặng trong cuộc sống… Muốn xa nơi xô bồ ồn ã.

Đi thăm lại từng góc vườn xưa, bụi tre đằng ngà gióng vàng óng, chị em Hiên thường lấy những tay nhỏ làm chuyền rất đẹp, cây mít dai cành lá sum suê quả nâu sậm chi chít quanh thân, cây bưởi đào ra quả quanh năm lúc nào cũng thơm ngát, ai cũng thấy lạ bởi trên cây bưởi lúc nào cũng có đủ từ quả già đã ăn được, đến quả non xanh xen lẫn những chùm hoa lấp ló nơi nách lá, cạnh ao cây chanh vẫn còn, to chớm hết cả một góc ao, rồi cây ổi găng, cây na…

Bước tới đâu Hiên cũng chạm vào kỷ niệm, mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua thôi. Hiên xin phép chú xuống bến nước, từng bậc đá còn nguyên vẹn màu vân xanh ánh lên loang loáng, khỏa tay vục làn nước mát lạnh phả lên mặt, từng giọt nước tí tách chảy qua kẽ tay… Một cảm giác khoan khoái dễ chịu đang ngấm dần, ngấm dần. Hiên nhắm mắt lại để tận hưởng cái cảm giác đê mê, giọt nước ngấm tới đầu lưỡi đánh thức vị giác ngọt mát trong lành.

Chính nơi đây, con tim non nớt tuổi trăng rằm, đã cảm nhận những rung động đầu đời với một người con trai. Mười lăm tuổi Hiên cũng đã biết e lệ trước ánh nhìn của người bạn khác giới, Thường chính là người bạn ấy, nhà Thường ở phía đầu xã cách trạm chừng 5 cây số, những ngày nghỉ học Thường hay theo các anh lớn đi rừng lấy củi, tre nứa qua bến sông này, mỗi khi đi rừng đoàn người bao giờ cũng ghé qua trạm chơi rủ thêm chú Trọng, chú Lâm ở trạm cùng đi, lúc về neo lại bến để các chú vớt gỗ, củi lên xong mới xuôi về bến dưới. Thành ra Hiên và Thường chạm mặt nhau thường xuyên hơn, ở trường học vì khác lớp nên ít trò chuyện, lúc qua trạm bố Hiên thường mời họ ăn mít chín, ăn bưởi hoặc ngồi uống nước chè, rít vài mồi thuốc lào cho sảng khoái trước lúc vào rừng, có hôm lại rủ họ ở lại lai rai món “Gà đồng”mới soi được.

Những lúc đó bố sai Hiên làm thịt ếch và chế biến, có Thường thể nào cũng phụ Hiên một tay, Thường múc nước, bóp muối và nhặt gia vị giúp Hiên, còn công đoạn mổ thịt và chế biến Hiên làm rất nhanh. Sau khi đã bóp muối hết một chậu ếch vài chục con, đem rửa sạch rồi lấy dao khứa một đường trên lưng từng con một, cho hai ngón tay cái và ngón trỏ giữ chắc phần thân kéo mạnh ra sau, thế là công đoạn lột da đã xong, tiếp đó chặt đầu và các bàn chân ra để ráo, cho chiên giòn hoặc om củ chuối non với mẻ, nghệ, ớt, và lá lốt làm mồi nhậu.

- Hiên làm siêu thế cứ như nhà hàng vậy. Thường khen.

- Bố hay soi được nên Hiên làm nhiều thành quen thôi! Như chợt nhớ ra điều gì Thường đưa tay vào túi áo.

- À, lúc trên rừng mình nhặt được mấy hạt bật này đẹp lắm, cho Hiên để chặn sách này.

Hiên đưa tay nhận nắm hạt màu nâu sẫm bóng loáng to bằng đồng xu, dẹt ở hai đầu hạt rất ngộ nghĩnh, miệng lí nhí: “Cám ơn Thường nhé”. Những lần khác khi thì Thường mang về cho Hiên giò phong lan nở hoa rực rỡ, lúc lại chùm hoa dẻ vàng hươm thơm ngát, Hiên thường kẹp chùm hoa vào giữa trang vở, để mỗi khi ngồi học bài, hương hoa tỏa ra đến nỗi cái Lành ngồi bên phải kêu lên: “Cái Hiên dùng nước hoa của mẹ à”. Hè năm đó khi đã tốt nghiệp cấp hai trường làng, Hiên chuẩn bị lên huyện học tiếp. Gặp Thường nhân chuyến đi rừng qua trạm, ngồi bên bến sông ngay gốc si già tỏa bóng mát sum suê.

- Hiên sắp đi học đúng không?

- Đúng rồi, sao Thường không thi tiếp.

- Ở quê chỉ học đến vậy thôi Hiên à, hoàn cảnh nhà mình khác nhà Hiên nên…

Hai đứa ngồi trầm ngâm nhìn ra phía sông, từng con sóng lăn tăn vỗ nhè nhẹ, cơn gió mát rượi thổi bay làn tóc rối, những cánh hoa từ đầu nguồn trôi trên sông như dùng dằng nơi bến nước, bất giác Thường mạnh dạn nắm lấy tay Hiên, dúi vào tay một mảnh giấy nhỏ, giọng lắp bắp như đang cố ghìm cơn xúc động.

- Hiên đi học nhớ ghé về làng, về nơi đây với khúc sông quê này… Có người nhớ Hiên nhiều lắm đấy!

- Hiên ngỡ ngàng chưa kịp nói câu gì Thường đã chạy vụt đi… Mảnh giấy ghi vẻn vẹn dòng chữ: "Thường yêu Hiên nhiều lắm”.

22-1689241214.jpeg
Ảnh minh họa.

Trên bến sông này, Hiên đang hiện diện nơi đây, làn gió nhẹ thổi bay làn tóc rối, con sóng lăn tăn xô bờ nước hiền hòa, êm ả, chỉ lòng Hiên là xáo động khi nhìn dòng nước trôi đi không trở lại, lòng dâng trào một cảm xúc xao xuyến bồi hồi. Thường đi rừng lấy gỗ vào một ngày trời đổ mưa lũ bất chợt, mảng gỗ bị xô vào ghềnh đá vỡ tan tành, mấy anh lớn may mắn bơi được vào bờ, còn Thường mãi hai ngày sau gia đình mới vớt được thi thể đã không còn nguyên vẹn, bầm dập tím tái. Hiên biết hung tin qua thư của bố khi đang học xa nhà. Hiên đã nhớ và nghĩ về Thường rất nhiều… Ngắt một bông hồng trắng trước sân trạm, Hiên ngồi bứt từng cánh hoa thả trôi theo dòng nước, thì thầm như đang nói với hình bóng của người  năm xưa… Ở nơi xa đó chắc Thường vẫn đang dõi về một khúc sông quê nhỏ bé này phải không, bao năm nay Hiên vẫn nhớ, vẫn mong có lần được trở lại để nghe dòng sông vỗ về kể câu chuyện, mối tình thơ vừa chớm nở tuổi trăng rằm sáng trong.

Chảy đi sông nhé, gửi những nhớ mong khắc khoải tới phương trời xa lắc, nơi những vì sao đêm đêm lấp lánh soi sáng dòng sông quê yêu dấu. Chảy đi sông nhé… Mối tình thơ sẽ sống mãi với sóng nước cỏ cây nơi đây, như dòng sông đầy ắp nước nguồn không bao giờ vơi cạn.

Trần Mai Lan
Bạn đang đọc bài viết "Thì thầm dòng sông (Truyện ngắn)" tại chuyên mục GIẢI TRÍ.