Tạp chí khoa học với Luật Báo chí: Vấn đề trao đổi

17/07/2023 12:31

Tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu và thông tin về khoa học chuyên ngành.

Ở nước ta, Luật Báo chí 2016 cho phép cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các Hội ngành nghề được ấn hành tạp chí khoa học nhưng lại thiếu tiêu chí và điều kiện cụ thể về bài đăng tải, dẫn đến số lượng tạp chí nhiều nhưng chất lượng lại thấp; tính thông tin, cổ vũ, tuyên truyền lấn át tính phát hiện, tranh luận khoa học và đặc biệt tình trạng báo hóa tạp chí điện tử tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đã có nhiều đề xuất sửa đổi Luật báo chí 2016. Ý kiến đóng góp đã tập trung vào việc quản lý nhà nước, Hội Nhà báo, cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, cơ chế kinh tế tài chính và nhấn mạnh đến hoạt động của tạp chí khoa học liên quan đến khó khăn, vướng mắc và bất cập trong các quy định pháp luật.

Từ sự tương đồng, nét khác biệt và nhất là tính chuyên biệt của tạp chí, bài viết tổng hợp những kiến giải của các nhà khoa học, nhà báo, luật gia và đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia về Sửa đổi Luật Báo chí 2016, mới đây để cùng trao đổi

1. Báo, tạp chí - Sự giống nhau và tính khác biệt

Báo và tạp chí đều có chức năng cơ bản là thu thập, xử lý và truyền thông tin tức về các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng. Tuy nhiên xét về nội dung và đối tượng phục vụ cụ thể, giữa báo và tạp chí lại có sự khác biệt.

Báo có nhiều loại như báo viết, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình). Đối với các loại hình báo chí lại có thể chia thành báo Trung ương và báo địa phương. Căn cứ vào thời gian phát hành báo, người ta còn phân thành báo ngày và báo tuần. Căn cứ vào tính chất, đối tượng phục vụ, cơ quan quản lý lại có thể chia thành báo ngành và báo của các đoàn thể.

Dù là báo viết, báo nói hay báo hình, việc phân loại còn được chi tiết hóa theo phạm vi, thời gian và đối tượng phục vụ với những đặc trưng nổi bật của thông tin phản ánh. Đối với thông tin thời sự phải đảm bảo yêu cầu kịp thời, chính xác và đầy đủ.

Do báo chủ yếu phản ánh thông tin thời sự, nên đối tượng phục vụ thường đa dạng và có phạm vi rộng. Nội dung phản ánh của báo thường là những hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính thời sự cần được thông báo và hướng dẫn dư luận kịp thời; độ dài thông tin phản ánh trên báo thường giới hạn trong khuổn khổ cho phép hoặc do quy định đăng tải.

Nhờ giao lưu thông tin báo giới thiệu và phản ánh, con người luôn luôn tiếp cận và nắm bắt tin tức mới nhất để nâng cao hiểu biết, củng cố lòng tin và tự khẳng định để hành động theo một định hướng với mục đích rõ ràng.

Tạp chí trên thực tế cũng là một tờ báo, nhưng khác với báo ở chỗ: Tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực thuộc phạm vi của ngành, địa phương. Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ của báo.

Cũng như các loại báo, căn cứ vào đặc trưng phản ánh thông tin có thể phân loại tạp chí thành tạp chí thông tin ngôn luận và tạp chí nghiệp vụ chuyên ngành. Phạm vi của tạp chí thông tin ngôn luận thường là những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội với đối tượng phục vụ là đông đảo tầng lớp dân cư. Riêng tạp chí nghiệp vụ chuyên ngành chủ yếu đi sâu nghiên cứu lý luận nghiệp vụ khoa học thuộc phạm vi hoạt động và chức năng nghiệp vụ của ngành. Do vậy, đối tượng phục vụ chủ yếu là những người trong ngành.

Như vậy là, đối tượng phục vụ của tạp chí so với báo thường hẹp hơn. Bạn đọc của tạp chí không phổ biến như bạn đọc của báo. Mặt khác, người đọc tạp chí, nhất là tạp chí nghiệp vụ, đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về nghề nghiệp. Như vậy, bạn đọc của tạp chí sẽ tiếp nhận được thông tin và tham gia trao đổi, bàn luận, học tập kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến công việc và nghề nghiệp mà mình quan tâm.

Cái khó của tạp chí là ngoài việc bảo đảm tính hấp dẫn và thuyết phục đối với bạn đọc, thì quan trọng hơn là việc xác định đối tượng phục vụ, thường bao gồm những loại bạn đọc là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý hoặc cán bộ cơ sở. Trên thực tế có nhiều loại tạp chí chỉ phục vụ chủ yếu cho một số bạn đọc là cán bộ nghiên cứu có trình độ khoa học nhất định. Nhưng cũng có loại tạp chí đối tượng phục vụ bạn đọc vừa là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý hoặc là cán bộ chuyên môn thực hành thuộc ngành.

Tính hấp dẫn và sức thuyết phục của tạp chí không chỉ thể hiện ở nội dung phản ánh, mà còn ở nội dung thông tin đáp ứng được nhu cầu của từng loại bạn đọc hay không? Và như vậy, nội dung của tạp chí rất đa dạng và có nhiều chuyên mục khác nhau, không phải chỉ có vài ba chuyên mục ở một tạp chí, mà có khi lên tới hàng chục hoặc nhiều hơn. Dù ít hay nhiều ở từng loại, song nội dung phản ánh của tạp chí thường biểu hiện dưới những chủ đề chính đó là vấn đề chung về lý luận, nghiệp vụ, khoa học; thông tin khoa học và tin tức hoạt động…

Trong đó, lý luận, nghiệp vụ thường chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nội dung bài đăng tải. Với nội dung của tạp chí, những bài viết phải thể hiện được tính nghiên cứu, phát hiện quy luật vận động có thể trong từng lĩnh vực. Ở đây, chức năng tuyên truyền lý luận cách mạng, lý luận nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật sẽ đem lại cho độc giả nhiều kiến thức mới với những ý niệm cụ thể để dễ dàng tiếp cận với thực tế, có thể liên hệ, vận dụng trong điều kiện cụ thể của bản thân và đơn vị mình.

Ngoài chức năng tuyên truyền giáo dục theo nghĩa rộng, tạp chí còn cung cấp cho độc giả những tri thức bằng con đường ngắn nhất, đó là những hiểu biết về chính trị, kinh tế, quản lý và khoa học kỹ thuật. Trong chức năng tuyên truyền giáo dục, tạp chí phải góp phần giải thích, hoặc phê phán tình hình, hiện tượng nghiên cứu, đồng thời đề cập đến biện pháp xử lý theo những phương pháp nghiên cứu riêng thể hiện tính chiến đấu và nghiên cứu khoa học. Chính vì lẽ này, đặc trưng nổi bật của tạp chí là chức năng thông tin lý luận và nghiên cứu khoa học. Tạp chí cũng  sẽ là người đánh giá kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học áp dụng trong thực tiễn.

Do tính chất chuyên sâu của tạp chí vừa mang tính lý luận, vừa mang tính chiến đấu trong nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nên hình thức biểu hiện của tạp chí thường có nhiều chuyên mục hấp dẫn, có điều kiện in đẹp và không hạn chế độ dài của bài viết. Như vậy, nội dung phản ánh thông tin trên tạp chí rất đa dạng và phong phú, phù hợp với điều kiện không gian và thời gian ấn hành. Từ đây, tính kịp thời, khẩn trương của thông tin lý luận không đòi hỏi khắt khe như thông tin thời sự. Nhưng thông tin lý luận cũng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu giải đáp nhanh những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Tạp chí mang tính chất nghiên cứu, trao đổi và hướng dẫn nghiệp vụ, nên các bài viết đăng tải không nhất thiết phải là những vấn đề đã chín muồi, hoặc đã được khẳng định về mặt khoa học, mà có thể chỉ nhằm vào “xới vấn đề” hoặc trao đổi học thuật, tham khảo theo những quan điểm khác nhau. Trên cơ sở đó, có thể khai thác, hoặc đánh giá theo quan điểm riêng về hiện tượng nghiên cứu. Và vì lẽ đó, yêu cầu đốì với bài viết trên tạp chí có khác so với bài phản ánh trên báo hoặc đài. Tương tự, yêu cầu thông tin đầy đủ cũng có khác. Bài viết trên tạp chí có thể lược bớt yếu tố tổng thể, chỉ đề cập đến vấn đề cốt yếu nghiên cứu để giới thiệu cùng bạn đọc.

Tạp chí cũng như báo đều phục vụ nhiệm vụ chính trị. Do chức năng và đối tượng phục vụ của mình, tạp chí phải căn cứ vào nhiệm vụ của tổ chức đoàn thể, hoặc ngành chủ quản trong từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội để xác định chủ đề của từng số xuất bản và phát hành trong năm. Những số tạp chí chuyên đề như vậy phải xoay quanh các chuyên mục vốn có, nhằm tập trung cung cấp cho bạn đọc một lượng thông tin về một chủ đề mà cuộc sống đang đặt ra, đồng thời có liên quan đến hoạt động của chính tổ chức.

1688554087-s-ch-b-o-t-p-ch-1688956222.jpg
Tạp chí trên thực tế là một tờ báo, nhưng khác với báo ở chỗ là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ về ngành hoặc địa phương quản lý.

2. Tính chuyên biệt, đặc điểm nổi bật của các tạp chí

Ứng với mỗi tạp chí là một loại độc giả. Do vậy, các bài viết cần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của từng loại bạn đọc; đảm bảo tính khoa học, thiết thực và thuyết phục, đúng nghĩa với mục tiêu của cơ quan lý luận, nghiên cứu, trao đổi và hướng dẫn nghiệp vụ của từng chuyên ngành.

Trong ngành truyền thông nước ta, đặc biệt là trên các tạp chí, tính chuyên biệt đã được định hình và ngày càng phát triển. Tính chuyên biệt trên báo chí được hiểu là phương thức, theo đó “một ấn phẩm cần tập trung vào một lĩnh vực của đời sống, nhằm vào một lượng đối tượng công chúng xác định”.

Phân tích cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy: Tạp chí là loại ấn phẩm xuất bản ở một khu vực trong một địa điểm nhất định, mang tính thường kỳ. Tạp chí khác với nhật báo ở chỗ: tính thời sự có thấp, nhưng tính khái quát lại cao hơn nhiều. Tạp chí thường hướng tới lượng độc giả đã biết được thông tin sơ lược về một vấn đề nhất định, nhưng chưa thỏa mãn và đang đi tìm những chi tiết mang tính chuyên sâu hơn.

Để nghiên cứu tính chuyên biệt của một ấn phẩm tạp chí, các nhà phân tích đã nghiên cứu về nghệ thuật tạo thông tin với tính hướng đích, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Kết quả phân tích cho thấy, tính chuyên biệt của tạp chí được thể hiện cả về hình thức và nội dung. Theo xu hướng hiện đại, khổ tạp chí ngày càng nhỏ đi. Các loại tạp chí đều hướng vào tính logic của nội dung và chức năng, nhiệm vụ riêng biệt nên thường được thiết kế linh hoạt. Trong đó, trang bìa là một đặc điểm nổi bật.

Khác với báo viết, trang nhất thường được thiết kế nhằm giới thiệu thông tin quan trọng cần đăng tải và những “điểm nhấn” của tờ báo. Ở tạp chí có trang bìa. Tính chuyên biệt trên trang bìa được thể hiện rất cụ thể, rõ nét với cỡ và phông chữ được lựa chọn sao cho phù hợp với màu sắc để làm rõ phong cách và nét riêng của tạp chí.

Về ngôn ngữ, ấn phẩm tạp chí thể hiện tính chuyên biệt nhằm phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của từng loại độc giả. Để làm điều này, tạp chí thường tìm ngôn ngữ có khả năng tương thích cao nhất cho đối tượng chuyên biệt, đồng thời với sự tham gia giải quyết vấn đề ngôn ngữ.

Có thể thấy, tạp chí với chức năng thu thập, xử lý và chuyển tải, đưa thông tin phân tích sâu về các lĩnh vực chuyên ngành vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin chuyển tải của tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng. Trong thực tế đời sống xã hội, tạp chí cũng là một tờ báo nhưng khác với báo ở chỗ, tạp chí là cơ quản lý luận, học thuật, khoa học của nhà nước, ngành kinh tế kỹ thuật hoặc các tổ chức, đoàn thể xã hội. Tạp chí đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực thuộc phạm vi ngành hoặc địa phương quản lý.

3. Tạp chí Việt Nam trong thực thi Luật Báo chí 2016

Luật Báo chí 2016 thay thế bộ Luật năm 1999, có 61 điều, trong đó 32 điều mới và 29 điều sửa đổi, đã bổ sung quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết; tạo thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ báo chí và hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hợp tác, hỗ trợ phát triển báo chí và hoạt động tác nghiệp của người làm báo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã sắp xếp tổ chức, quy hoạch lại hệ thống báo chí. Cả nước có trên 779 cơ quan báo chí, bao gồm 142 tờ báo in và 612 tạp chí chuyên ngành chiếm đến 81,2% tổng số tên báo chí phát hành.

Luật 2016 tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo và các tổ chức liên quan hoạt động trong môi trường kỷ cương, đã nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhờ đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật 2016, nhất là về tạp chí khoa học, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến những khó khăn, thách thức phát triển trong thời đại kỹ thuật số.

Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò quản lý nhà nước đã thực hiện các bước sơ kết, rà soát, tổng hợp vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Việc bổ sung, sửa đổi Luật 2016 không phải từ lý do thiếu tích cực mà là do luật có nhiều quy định không còn phù hợp. Từ nhận thức này, quá trình xây dựng, sửa đổi Luật 2016 không đứt đoạn, mà là sự vận động liên tục trong sự thay đổi, phát triển của đất nước và xã hội. Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 (ngày 4/12/2019) đã nêu ra nhiều nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Dễ dàng nhận thấy trong khoản 15 Điều 3 Luật chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử gây khó khăn trong công tác quản lý. Sự phân biệt chưa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử về nội hàm đã nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến tình trạng báo hóa tạp chí điện tử tràn lan. Những quy định trong Điều 14 về khái niệm và đối tượng thành lập tạp chí khoa học còn bất cập.

Theo đó, các tạp chí khoa học hiện chiếm đến 37% tổng số cơ quan báo chí, là lĩnh vực mang tính đặc thù so với sản phẩm báo chí thông thường với chức năng công bố kết quả nghiên cứu và thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành. Những quy định của Luật Báo chí về tạp chí khoa học chưa đủ để tạo cơ sở cho sự phát triển; thiếu tiêu chí và điều kiện bảo đảm chất lượng khoa học và trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc bảo đảm chất lượng khoa học.

Đại bộ phận tạp chí khoa học hoạt động theo cơ chế bao cấp, với nguồn kinh phí không đáng kể và gần như không có nguồn thu thương mại. Nhiều cơ quan chủ quản không thành lập cơ quan báo chí mà chỉ huy động nhân sự của các phòng, ban trực thuộc kiêm nhiệm công tác xuất bản tạp chí. Người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng, mặc dù đã được ưu tiên hơn về điều kiện xét cấp thẻ nhà báo để hành nghề, nhưng trong nhiều trường hợp người đứng đầu hoặc dự kiến bổ nhiệm lại chưa đáp ứng được điều kiện về tiêu chuẩn báo chí đã gây khó khăn cho việc hiệp y và bổ nhiệm.

4. Sửa đổi Luật Báo chí từ góc nhìn nghiên cứu và quản lý

Phát biểu khai mạc Hội thảo sửa đổi Luật Báo chí tổ chức ngày 10 tháng 6 năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 là việc làm rất cần thiết. Trên cơ sở này sẽ định hình những quan điểm, tầm nhìn và xây dựng kế hoạch để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống báo chí và người làm báo đã có nhiều ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật báo chí 2016. Những nội dung gợi ra đã tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến quy định về cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan chủ quản báo chí; liên quan đến quy định về đối tượng, điều kiện thành lập; mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức,cơ chế kinh tế - tài chính của ngành báo chí. Đặc biệt đã nhấn mạnh về tạp chí khoa học với những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong các quy định pháp luật.

Các nhà phân tích cho rằng, việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 cần tập trung vào một số vấn đề, trước hết là đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và trước đòi hỏi của xã hội ngày càng cao trong quá trình phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và truyền thông hiện đại. Cần hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp nhằm tạo hành lang cho báo chí phát triển trong thời đại số.

Với cách tiếp cận lịch sử, hoàn thiện pháp luật đòi hỏi báo chí phải kết hợp với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cần tập trung vào rà soát và bổ sung những nội dung mới, khắc phục tồn tại hạn chế. Theo đó, trước hết cần cân nhắc, điều chỉnh tên gọi và đối tượng áp dụng. Do Luật hiện hành chưa cập nhật được thực tiễn phát triển của báo chí như các phương tiện truyền thông xã hội, đòi hỏi phải mở rộng phạm vi điều chỉnh để quản lý được các vấn đề đặt ra. Từ phạm vi cần điều chỉnh, nên cân nhắc để mở rộng tên gọi dưới hình thức của Luật báo chí truyền thông, nhằm bao quát được các vấn đề lớn của truyền thông hiện đại, mở rộng các hệ thống khái niệm, từ đó bổ sung quy định quản lý phù hợp.

Nhiều kiến giải cho rằng, nên mở rộng đối tượng áp dụng, tạo hành lang pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ số và báo chí trên nền tảng số; triển khai mở rộng, phát triển mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông để đẩy mạnh chuyển đổi số .

Luật Báo chí 2016 chưa quy định cụ thể về chất lượng các công trình khoa học mà các tạp chí khoa học công bố. Cần bổ sung về điều kiện, hình thức để đảm bảo chất lượng bài viết trên tạp chí khoa học. Từ quy định mang tính nguyên tắc, các tạp chí sẽ dựa vào đó để cụ thể hóa thành thể lệ đăng bài và tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Việc bổ sung sửa đổi quy định về tạp chí có thể tiến hành theo hướng phân định rõ tạp chí khoa học với các sản phẩm báo chí khác hoặc bổ sung Luật Báo chí theo hướng không quy định kết quả nghiên cứu khoa học hoặc bài viết khoa học là do cơ quan báo chí thông thường công bố. Theo hướng đề xuất này, phương án 1 cần tập trung vào sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo cách phân định tạp chí khoa học với các báo chí khác.

Phải quy định rõ tiêu chí, điều kiện khoa học để thành lập tạp chí khoa học; xây dựng cơ chế đặc thù về mô hình, ngân sách hoạt động và cơ chế tài chính của tạp chí khoa học cũng như tiêu chuẩn, điều kiện người đứng đầu tạp chí khoa học theo cơ chế đặc thù. Còn phương án 2 tạp chí khoa học sẽ không chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Theo đó, việc bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí sẽ theo hướng không quy định việc công bố kết quả nghiên cứu hoặc bài viết khoa học là do cơ quan báo chí, ấn phẩm khoa học không chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí hiện hành.

Cùng với nội dung về tạp chí khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng việc bổ sung sửa đổi Luật Báo chí kỳ này cần đi theo hướng tạo hành lang pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nền tảng công nghệ số, phân phối nội dung thông tin báo chí; phát triển cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí - truyền thông, báo chí trên nền tảng số; xây dựng chỉ số đánh giá truyền thông xã hội trên không gian mạng nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực phục vụ công tác quản lý; phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế để đẩy mạnh chuyển đổi số.

5. Thay lời kết luận

Luật Báo chí 2016 đã phát huy vai trò công cụ pháp lý trong điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí. Sau hơn 6 năm thực hiện cùng với những kết quả tích cực đạt được, một số quy định của Luật đã dần bộc lộ những hạn chế làm cho việc quản lý báo chí trở nên khó khăn trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự phát triền mạnh mẽ của ngành thông tin và truyền thông.

Từ nhận diện, đánh giá về thực trạng hoạt động báo chí và những bất cập của Luật năm 2016, các nhà phân tích kiến nghị cần làm rõ thuật ngữ báo điện tử và tạp chí điện tử; bổ sung quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn các bài viết trên tạp chí khoa học; hoàn thiện cơ chế giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí và bổ sung quy định về thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.

Với kỳ vọng góp phần hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016, nâng cao hiệu quả hoạt động của tạp chí trong ngành, bài viết hy vọng được góp một tiếng nói chung trong sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng nước nhà.

Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Tạp chí khoa học với Luật Báo chí: Vấn đề trao đổi" tại chuyên mục GIẢI TRÍ.