Làm theo lời vợ dặn
Ngày xưa có một anh chàng ngốc nghếch đần độn. Vợ anh thấy chồng ăn không ngồi rồi ngày này sang ngày khác, thì không được vui lòng. Cho nên một hôm, vợ anh thủ thỉ:
– Ngồi ăn núi lở. Anh phải đi làm một nghề gì nuôi thân, nếu không thì khó mà ăn ở với nhau được lâu dài.
Ngốc ta đáp:
– Tôi chữ nghĩa không có, đi cày thì dở, làm thợ thì dốt, biết làm nghề gì đây?
– Đi buôn vậy – người vợ trả lời – Tôi sẽ đưa tiền cho anh để anh đi buôn.
– Buôn gì?
– Cái gì có lãi thì buôn. Đầu thì buôn vịt buôn gà, sau thì buôn gỗ làm nhà cũng nên.
Mấy hôm sau, Ngốc cầm tiền ra đi. Quá một thôi đường, anh nhìn thấy có một bầy vịt độ một chục con đang kiếm ăn trên mặt đầm. Anh đi tìm chủ bầy vịt để hỏi mua. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi:
– Vịt của ai đó?
Bọn trẻ ngạc nhiên hỏi lại:
– Ông hỏi làm gì?
– Ta muốn mua buôn.
Biết là gặp phải anh ngốc, bọn chúng đáp liền:
– Vịt ấy là của chúng tôi. Nếu ông mua được cả, chúng tôi bán rẻ mỗi con năm tiền, mười con vị chi làm năm quan.
Nghe chúng bảo là giá rẻ, Ngốc ta không ngại ngần gì nữa, ngồi xuống xỉa tiền ra trả. Bọn chúng nhận lấy tiền chia nhau rồi bảo anh:
– Đó, bầy vịt bây giờ là của ông. Ông ngồi đây mà canh, đến chiều lại hùa chúng về.
Đoạn chúng cưỡi trâu đi mỗi đứa một ngả.
Ngốc ta ngồi lại bờ đầm canh chừng bầy vịt. Chưa quá trưa, anh đã lội xuống nước để lùa vịt về, thì bầy vịt nhác thấy bóng người, bay vụt lên trời, một chốc mất biến. Ngốc ta tưng hửng, đành trở về kể lại với vợ. Vợ tiếc của mắng cho chồng một trận nên thân, rồi bảo:
– Đó là vịt trời giống hệt vịt nhà, nhưng chúng biết bay. Sau này trước khi mua, muốn biết vịt biết bay hay không, anh cứ giơ gạy lên dứ vào chúng là biết ngay.
Mấy ngày sau, chàng Ngốc lại cầm tiền ra đi. Đến chợ thấy có người bán ba con lợn con. Lợn được thả trong một cái rặc quây thành vòng tròn. Anh sà vào hỏi mua.
Nhớ lời vợ dặn, nên trước khi trả tiền, anh giơ gậy lên dứ vào mấy con lợn. Mấy con lợn thấy vậy sợ quá nhảy tót ra ngời rặc, rồi chạy vào bụi mất cả. Người hàng lợn bèn nắm lấy áo anh bắt vạ. Có bao nhiêu tiền vốn mang đi, anh phải lấy ra đền. Xót của, anh mếu máo về kể chuyện lại cho vợ nghe. Vợ lắc đầu:
– Khốn nạn. Mấy con lợn thì làm gì biết bay mà phải dứ. Anh cứ mua, đưa về đàng hoàng, thử làm gì cho mất công.
Ít ngày sau, anh lại mang tiền đi. Lần này anh mua được một gánh nồi đất. Nhớ lời vợ dặn, anh cứ gánh nồi “đàng hoàng” đi giữa đường. Mọi người đi đường mà anh gặp đều phải xuống ruộng tránh anh.
Giữa đường anh gặp một bầy trâu đến chục con được chủ lùa đi ăn. Đường hẹp, trâu không biết tránh nên va vào gánh nồi của anh vỡ gần hết. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo anh:
– Chết rồi. Nồi là thứ dễ vỡ, gặp những con vật như thế thì phải tránh đi chứ!
Ít lâu sau nữa, anh lại đi buôn. Lần này anh mua được một gánh vôi đá mới nung. Dọc đường về, anh thấy có một con chuột chết nằm giữa đường. Nhớ lời vợ dặn, anh lẩm bẩm: – “Chà chà, có con vật này nằm cản đường ta, ta phải tránh nó mới được”.
Nghĩ vậy, anh không dám bước qua con chuột, bèn lội xuống ruộng nước để tránh. Nước ở đấy hơi sâu, vôi đá nhúng phải nước sôi lên sùng sục, anh hoảng quá vứt cả gánh mà chạy. Về đến nhà anh khóc lóc kể lại cho vợ nghe. Vợ giậm chân kêu trời, bảo anh:
– Còn tìm ra được ai ngốc bằng anh nữa! Thôi bây giờ tiền trong nhà chẳng còn một đồng để buôn với bán nữa rồi. Ngày mai anh tìm cách gì kiếm lấy ít quan mà tiêu.
Ngốc ta liền bỏ nghề buôn, chuyển sang ăn trộm. Một đêm anh lẻn vào một nhà kia, lần mò tìm được một số tiền. Anh đếm tiền và tinh mắt nhận thấy có mấy đồng xèng. Anh liền tìm đến chỗ chủ nhà ngủ, lay dậy và nói:
– Dậy, dậy mà đổi tiền xấu.
Chủ nhà đang ngon giấc sực tỉnh, thấy trong nhà có kẻ lạ mặt, bèn hô hoán lên:
– Bắt, bắt lấy nó!
Ngốc ta hoảng hồn vứt cả tiền mà chạy, may thoát được. Về tới nhà, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo:
– Trời ơi. Còn đổi với chác mà làm gì. Thôi mai đi kiếm ít gạo về ăn, nhà chẳng còn hột nào nữa.
Tối hôm sau, Ngốc ta lại đi ăn trộm. Nhớ lời vợ dặn nên anh không chú ý tới những cái khác mà chỉ đi tìm gạo. Nhưng những chỗ anh sờ soạng thấy để chứa thóc, chẳng có hạt gạo nào. Thấy có cối xay gần đó, anh bèn đổ thóc vào xay. Tiếng xay lúa ầm ầm làm cho chủ nhà tỉnh dậy. Khi họ xông tới toan bắt, anh may mắn lại chạy thoát. Về kể lại với vợ, vợ kêu lên:
– Ngốc ơi là ngốc. Thôi thì mai thấy gì lấy nấy, cứ đưa về đây, chẳng cần lựa chọn gì nữa.
Tối hôm sau, Ngốc lại lọt vào một nhà khác. Anh vừa vào tới sân đã thấy nhiều đồ đạc nhắm chừng có thể lấy được. – “Hừ, vợ ta dặn có gì lấy nấy, chẳng cần phải đào ngạch vào nhà lựa chọn làm gì cho mất công”.
Nghĩ vậy, anh ta nhặt nhạnh đủ thứ chất một gánh quẩy về. Vợ thắp đèn lên xem thì hóa ra toàn chổi cùn, rế rách, đòn ghế, gỗ vụn, cào tre, cuốc gẫy, lại còn có cả một nồi nước giải. Vợ chặc lưỡi hồi lâu, rồi bảo chồng:
– Thôi! Ngày mai đừng đi ăn trộm nữa mà có ngày chết oan. Anh cứ chịu nhục đi ăn xin, may ra còn kiếm được miếng gfi bỏ vào miệng nuôi lấy thân.
Nghe lời vợ, anh liền chuyển sang “nghề” mới. Một hôm anh ta gặp một ông quan ăn mặc sang trọng đang đi dạo, anh bước tới ngửa tay xin ăn. Nhưng vừa mở miệng nói mấy câu học được: – “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại…” thì có hai tên lính theo hầu quan đã bước tới quất cho mấy roi. Để khỏi ăn thêm đòn, anh ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Về kể lại với vợ, thì vợ bảo:
– Đó là ông quan, đừng có đụng tới mà chết. Đi xin thì tìm chỗ đông người, không xin được người này thì xin người khác, thế nào cũng được ăn.
Hôm sau, anh gặp một đám ma. Thấy đông người, anh sà vào ngửa tay xin hết người này đến người khác. Nhưng anh chẳng được gì mà còn bị mắng đuổi. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo:
– Đó là đám ma, anh cứ đi theo “ô hô” ít câu là sẽ được người ta cho ăn.
Ảnh minh họa.
Lần này, anh ra đi, lại gặp một đám rước dâu. Anh làm theo lời vợ dặn, đuổi theo đám đông, vừa đi vừa bưng mặt nấc lên mấy tiếng “ô hô”. Những người trong đám rước dâu cho là anh cố ý làm cho họ xui xẻo, liền hò nhau đánh anh tới tấp. Bị đòn đau, nhưng anh cũng cố giật ra được chạy về. Anh kể cho vợ nghe, vợ lại bảo:
– Đó là đám cưới. Anh chỉ cần đi theo nói mấy câu: “tốt đôi, tốt đôi”… là có ăn.
Ít lâu sau anh lại đi. Gặp một đám đông người đang chữa cháy, nhớ lời vợ dặn, anh đến gần, mồm nói lia lịa:
– Tốt đôi, tốt đôi.
Thiên hạ cho anh là thủ phạm đốt nhà (vì tốt đôi nói lái là tôi đốt), liền bắt anh trói lại nện cho một trận, lại giải lên quan. Anh phải vất vả lạy lục phân bua mãi mới được thả cho về. Về đến nhà, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo:
– Đó làm đám cháy. Thấy vậy anh cứ múc nước giội vào đấy, người ta sẽ thưởng công cho.
Mấy hôm sau anh lại đi. Gặp người thợ rèn đang hì hục đánh trên đe một thanh sắt nung đỏ. Anh bèn múc một vò nước đến giội vào sắt, vào bễ lửa. Thấy chuyện trớ trêu, cả mấy người thợ quăng búa xúm lại giã cho anh một trận nhừ đòn rồi mới cho về. Về nhà, anh mếu máo kể cho vợ hay. Vợ bảo:
– Đó là những người thợ rèn sắt, anh cứ xông vào quai búa với họ là họ sẽ cho ăn.
Lần này, Ngốc gặp một đám đánh nhau. Anh chẳng nói chẳng rằng, hùng hổ xông vào giơ tay thụi người này, co cẳng đạp người kia. Mấy người đánh nhau tuy đang lúc giận dữ, nhưng thấy một người lạ vô cớ xông vào đánh cả hai bên bèn quay cả lại nện cho anh những quả như trời giáng. Anh đau điếng chạy về kể lại với vợ. Vợ bảo:
– Đó là đám đánh nhau. Anh hãy can người ta ra, và nói :”dĩ hòa, vi quý“, không khéo còn được người ta mời đi chè chén nữa.
Hôm ấy, anh gặp một đám đông người đang vòng trong vòng ngoài xem hai con trâu húc nhau chí tử. Nhớ lời vợ dặn, anh chạy vào cố sức vỗ về hai con vật, miệng nói “dĩ hòa vi quý”, “thôi đừng đánh nhau nữa”. Một con hăng tiết lên, liền húc thủng bụng anh.
Thế là hết đời anh chàng Ngốc.
Thầy lang bất đắc dĩ
Ngày xưa có một anh chàng tên là Tân làm nghề cày ruộng. Anh là người thông minh nhưng tính tình có phần nhút nhát, lại phải cái hay phũ phàng với vợ. Người vợ giận lắm, quyết tìm dịp dạy chồng một bài học cho bõ ghét.
Một hôm người vợ đi chợ, bỗng nghe văng vẳng có tiếng gọi loa: “Ai có tài chữa bệnh thì mời về triều sẽ được thưởng quan cao lộc hậu”. Hỏi mọi người, chị mới hay đó là sứ giả nhà vua đi tìm thầy lang giỏi về cứu chữa cho công chúa bị hóc xương. Thấy cơ hội đã đến, người vợ bèn tìm gặp sứ giả, nói:
– Tôi biết trong làng này có một thầy lang chữa bệnh hay như thần, có thể chữa cả những người sắp chết.
Sứ giả đi mấy ngày chẳng gặp một ai, nay được người mách thì lấy làm mừng, vội hỏi:
– Thế thì hay quá. Có thật thế chăng?
– Thật đấy! Nhưng ông thầy này có một điều lạ là không muốn tự nhận mình là thầy lang, luôn luôn giả bộ ngờ nghệch. Ai nhờ chữa thì bao giờ cũng chối đây đẩy, chỉ có roi đánh quắn đít mới chịu nhận và mới chữa mát tay.
– Thế thầy lang hiện giờ ở đâu?
– Ngài cứ theo con đường này dẫn ra đồng. Hễ thấy người nào râu cá trê, đang cày với một con bò đen trên một đám ruộng khoai, thì chính là thầy lang. Tên thầy là Tân.
Sứ giả cũng mấy người lính hầu vội rẽ ra đồng. Khi gặp con người đúng như lời mách. sứ giả lễ phép nói:
– Chúng tôi vâng thánh chỉ mời thầy về triều chữa cho công chúa bị hóc xương đã ba ngày nay.
Anh chàng Tân thấy việc trớ trêu lấy làm lạ, bèn đáp:
– Ô hay! Các quan nhầm rồi Tôi quê mùa dốt nát, có biết làm thuốc bao giờ, đâu phải là thầy lang mà mời.
Nhớ đến lời dặn của người đàn bà, sứ giả toan dụng võ ngay, nhưng cũng cố đấu dịu:
– Xin thầy đừng giấu nghề; vả lại việc này là việc cấp bách và theo lệnh của hoàng đế, xin thầy hãy vui lòng tiến kinh cùng chúng tôi. Người bệnh lại là con vua cháu chúa, không nên từ chối.
– Tôi nói thật đấy mà! Hàng ngày tôi chỉ tay cày tay cuốc, làm gì biết đến việc hệ trọng như việc xem bệnh bốc thuốc.
Nghe những lời khăng khăng từ chối, sứ giả bụng bảo dạ: “Thật thân lừa ưa nặng, tất phải dùng roi vọt mới xong”. Nghĩ vậy, hắn bèn thét lính ra roi túi bụi. Tân không chịu đựng nổi mười roi, vội vã kêu lên:
– Thôi thôi, xin các quan ngừng tay. Tôi là thầy lang đây.
Sứ giả mừng quá vội cho Tân lên ngựa phi về hoàng cung, đưa vào buồng công chúa.
Bấy giờ công chúa đang nằm chờ chết, cái xương còn mắc ở cổ, khạc mấy cũng không chịu ra. Tân vừa đến, lấy làm bối rối không biết cất tay động chân thế nào. “Hừ, ta thử làm cho công chúa cười một chút xem sao?”.
Nghĩ vậy trước mặt công chúa, anh bèn nheo mắt méo miệng làm ra trăm kiểu ngộ nghĩnh như anh vẫn từng quen gây cười trước đám đông làng xã.
Chưa đến trò thứ ba thì công chúa và bọn cung nữ hầu hạ xung quanh đã bật cười, và còn đua nhau cười ngặt nghẽo. Tự nhiên cái xương trong cổ công chúa văng ra lúc nào không biết. Thế là bệnh lành. Mọi người đều trầm trồ kinh ngạc.
Nghe tin, nhà vua và cả hoàng cung lật đật chạy vào mừng cho con gái và tíu tít cảm ơn thầy. Vua liền phong Tân làm chức thái y, sai lấy vàng bạc mũ áo ban thưởng. Về phần Tân, bụng bảo dạ: “Ta dùng một mẹo nhỏ may mắn mà lành, thật là chó ngáp phải ruồi. Vậy ta hãy cố chối từ, thà về cày ruộng còn hơn là ở đây có ngày mang họa”. Bèn đáp:
– Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này thực sự quê mùa dốt nát không biết việc thuốc men là gì. Vậy xin nhường chức tước ấy cho các vị lang y, còn hạ thần chỉ xin bệ hạ cho phép được trở về quê làng.
Vua vốn đã được nghe sứ giả cho biết tính tình kỳ lạ của người thầy thuốc, bèn quát thị vệ ra roi.
Tân cuống quít xin nhận mũ áo.
Ảnh minh họa.
Lại nói chuyện khi nghe tin có thầy lang đại tài được vua đón về kinh đô, mới chữa một vụ hãy như thần, thì các con bệnh kinh niên khó trị từ bốn phương lục tục kéo nhau về, hy vọng được thầy ra tay cứu chữa. Chẳng bao lâu con số đã tăng lên đến tám mươi người. Hàng ngày họ đứng chực trước cửa ngọ môn đợi thầy ra, lính đuổi mấy cũng không đi. Nghe tin này, một hôm nhà vua bảo Tân:
– Dân chúng còn có người đau khổ là lòng ta chưa yên. Vậy nhà ngươi hãy đem tài thánh y gắng chữa cho con đỏ của ta được lành.
Tân lo lắng, vội nói:
– Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần tài hèn chẳng có gì, mà con bệnh nan y quá đông, làm sao chữa xuể.
Vua hất hàm cho bọn thị vệ chuẩn bị roi vọt. Thấy thế, Tân đành nhắm mắt nhận lệnh không dám từ chối. Nhưng để có thì giờ suy nghĩ, anh cũng xin vua cho được ở riêng cùng với bệnh nhân để tiện xem bệnh. Vua bèn ra lệnh đưa cho thầy cùng các bệnh nhân đến sở dưỡng tế của kinh kỳ.
Khi đã được đứng riêng một mình cùng tám chục bệnh nhân. Tân liền sai đóng cửa lại, ra lệnh cho lính gác cổng chỉ cho người ra mà không cho vào. Rồi sai sắp củi đốt một đống lửa giữa sân, đoạn dõng dạc lên tiếng:
– Chữa cho các ngươi thật là vất vả, song ta xin gắng. Ta có môn thuốc thần hiệu là cho thiêu một người sống, lấy tro ấy luyện thuốc trong ba tháng. Sau khi luyện xong thì thuốc của ta sẽ “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh khu trừ”, thần diệu không thể nói hết. Tục có câu: “Liều một người, cứu muôn người” là thế. Vậy trong số các ngươi đây, ai là người bệnh nặng nhất thì hãy chịu hy sinh tấm thân, tình nguyện để ta thiêu sống. Ta sẽ luyện thành “hảo dược” chữa lành cho bảy mươi chín người còn lại. Nào, ai đó chịu liều thân, hãy bước đến bên đống lửa!
Các bệnh nhân đang hăm hở, nay nghe nói vậy thì rụt cả lại, ai nấy kinh hoảng, mặt tái như gà cắt tiết. Tân lại tiếp:
– Nào mau lên. Trừ những ai bệnh nhẹ hoặc chưa đến nỗi nào, còn trong số những người bệnh nặng, người nào nặng nhất, hãy trông gương người xưa, chịu liều mình để phước lành cho con cháu. Vậy ai là người bệnh nặng nhất, ra đây!
Không một ai nhúc nhích. Tân lại tiếp:
– Có lẽ các người chưa biết bệnh của mình là như thế nào đâu. Thế thì các ngươi hãy để cho ta khám từng người một để chọn một người nặng nhất.
Chỉ vào một con bệnh đứng gần, Tân hỏi:
– Nào lại đây. Ta trông nhà ngươi xanh xao, chắc là sức yếu lắm.
Người kia không dám bước lên, run lập cập nói.
– Thưa tôi khỏe lắm ạ!
– Thế thì nhà ngươi vào đây làm gì?
Hắn lật đật lùi dần, lùi dần, rồi bỏ chạy ra khỏi cổng.
Tân lại chỉ vào một người thứ hai.
– Nhà ngươi có vẻ hom hem tợn. Nào bước lên đây cho ta bắt mạch.
Hắn ta chẳng những đã không bước lên mà còn lui lại sau: mặt cố giấu bớt vẻ nhăn nhó, đáp:
– Không, bệnh tôi đã nhẹ đi nhiều.
Nói rồi hắn cũng lẩn mất. Cứ như thế, Tân đã làm vợi hẳn số bệnh nhân. Người cuối cùng vừa chạy ra cổng thì gặp lúc nhà vua cũng vừa xa giá tới. Vua nhìn hắn hỏi:
– Nhà ngươi đã lành rồi ư? Vừa rồi bệnh nặng lắm kia mà?
– Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần đã đỡ nhiều, hắn đáp.
Vua bước vào giữa lúc sở dưỡng tế đã sạch bóng bệnh nhân. Vua ngợi khen Tân hết điều. Sau đó vua cho phép chàng trở về quê quán. Vợ chàng không ngờ kết quả trớ trêu của việc cho chồng một bài học của mình khiến cho anh chồng được quan cao lộc hậu.
Giận mày tao ở với ai?
Ngày xưa, có một phú ông tự cho mình có tính nhẫn nại, ít ai bì kịp. Phú ông có một cô con gái nhan sắc xinh đẹp. Ngày con gái đến tuổi lấy chồng, phú ông cho yết bảng ở cổng, nói rằng hễ ai làm cho lão nổi nóng hoặc giận dữ thì lão sẽ gả ngay con gái cho người đó. Nhưng trong vòng một tháng mà không làm được thì sẽ bị đánh một trăm hèo rồi đuổi về.
Đã có nhiều chàng trai lần lượt nộp đơn xin làm rể với nhiều mưu mẹo mà vẫn không làm được lão nổi giận, đành chịu nhận lấy trận đòn đau mà tay không trở ra, mọi công phu làm rể coi như xôi hỏng bỏng không. Vì thế đã bao năm tháng, cô gái vẫn phòng không bóng chiếc.
Một hôm, có một chàng trai bộ dạng gày gò đến xin ra mắt. Phú ông hỏi:
– Anh muốn gì?
Chàng trai đáp:
– Tôi muốn được làm rể ông.
Phú ông căn vặn:
– Thế anh đã đọc kỹ những lời ta giao hẹn yết ở bảng chưa?
-Thưa đã.
Nhìn anh chàng từ đầu đến chân, phú ông nói:
– Ta sợ rằng anh không chịu nổi một trăm hèo của ta đâu.
– Thưa, chịu được!
– Vậy thì ngày mai là ngày bắt đầu, anh cứ việc tới đây.
Đến ở chưa được mấy ngày, anh chàng đã rủ phú ông:
– Sáng mai thầy với con đi săn một chuyến kiếm vài con cầy, con chồn về ăn.
Nghe nói đi săn, phú ông tỏ ý ham thích, nhưng lại bảo:
– Đi săn nhưng nhà ta không có chó săn thì làm thế nào?
Anh đáp ngay:
– Thưa thầy, con sẽ làm chó cho.
Hai người vào lùm săn được một con cầy. Đưa về nhà, phú ông bảo anh:
– Đi làm thịt cầy đi mày.
Anh lắc đầu:
– Con làm chó thì làm thịt sao được.
Phú ông lại bảo:
– Thế thì đi mua rượu vậy!
Anh chàng vẫn lắc đầu:
– Là chó thì đi mua rượu sao được?
Phú ông đành một mình hì hục làm thịt cầy, nấu nướng, trong khi đó anh chàng đánh một giấc ngon lành. Nấu xong, phú ông tất tả đi mua rượu vì nhà hôm ấy vắng người. Thừa dịp ở nhà một mình, anh mang thịt cầy ra chén hết. Phú ông mang được rượu về thấy nồi đã hết nhẵn, nhưng lão vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ hỏi:
– Mày ăn cũng được, nhưng có để phần tao miếng nào không?
Anh thản nhiên đáp:
– Chó treo mèo đậy. Đã để cho chó ăn mất thì làm sao còn mong để phần.
Phú ông đành trả lời:
– Thôi được!.
Chờ một chốc sau, anh chàng sẽ rỉ tai:
– Thầy có giận con không đấy, thầy?
Lão cười đáp:
– Giận mày tao ở với ai?
Một hôm khác, hai người lại rủ nhau đi săn. Lần này thì phú ông định tìm cách trả đũa chàng rể láu lỉnh, nên nhận làm chó. Biết thế, lần này anh lại nhằm vào những nơi đầy gai góc mà cắm lưỡi. Cứ mỗi lần thấy phú ông không dám xông vào, anh cầm roi quất vào đít và giục:
Ảnh minh họa.
– Mau lên! Vào đi! Làm chó thì phải cố chui rúc mới hòng được mồi. Phú ông mấy lần bị đòn, đành phải xông vào. Thấy lão thở không ra hơi, lại bị gai cào toạc cả mặt mũi, anh hỏi:
– Thầy có giận con không thầy?
Lão vẫn tươi cười:
– Giận mày tao ở với ai?
Hôm ấy hai người cũng săn được một con cầy. Về nhà, anh làm thịt cầy và nấu nướng xong, bảo phú ông:
– Thầy đi mua rượu đi!
Phú ông đáp:
– Chó nào có chó biết đi mua rượu!
Anh chỉ đợi trả lời thế, đi lấy xích xích chân phú ông lại bên cột nhà, nói:
– Giống chó chúa ăn vụng, phải xích mới được.
Nói rồi bỏ đi mua rượu. Mua được về, anh một mình ngồi chén tì tì, bao nhiêu xương xẩu vứt lại chỗ phú ông. Chén xong anh mới mở xích cho lão và hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Anh vẫn nghe câu trả lời quen thuộc:
– Giận mày tao ở với ai?
Thấy chưa thắng được phú ông, anh chàng hơi lo. Một hôm anh bàn:
– Nay công việc đồng áng hơi rỗi, con xin thầy đi buôn một chuyến kiếm ít lãi về, thầy con chia nhau.
Phú ông đáp:
– Được!
Ra đi anh dặn:
– Chiều mai thầy ra chỗ ngã ba đầu làng đón con một đoạn đường. Con đặt gánh hàng ở đó rồi phải đi ngay làm chuyến khác. Vì vậy thấy gánh hàng, thầy cứ gánh về hộ con.
Chiều hôm sau, phú ông ra chỗ hẹn đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây cẩn thận để sẵn ở đó. Lão cất lên vai, gánh hàng thật là nặng. Nhưng cứ theo lời dặn, lão ì ạch gánh về nhà. Đến nhà lão mở ra thấy một bồ đựng toàn đá, còn bồ kia thì thấy thằng chàng rể trời đánh ngồi thu lu ở trong. Anh đứng dậy vừa cười vừa hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông vẫn cười đáp:
– Giận mày tao ở với ai?
Lần sau, phú ông quảy bồ đi buôn. Lão cũng dặn anh chiều hôm sau ra bờ sông cuối làng gánh hộ hàng về. Đoán được âm mưu của lão, chiều hôm sau, anh mang theo một chiếc mo cau khô và mấy cái lục lạc.
Đến bờ sông đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây để đó, anh liền vỗ vào mo cau, mo phát thành những tiếng lộp bộp như tiếng ngựa chạy. Anh lại lắc lục lạc nghe tiếng loong coong, còn miệng thì la lối:
– Gánh gồng của ai để giữa đường kia chắn lối không cho ngựa quan đi à?
Ngồi trong bồ, phú ông nghe tiếng la, tưởng là ngựa quan sắp tới thật nên đâm hoảng, lúng túng thế nào để bồ lăn mấy vòng rồi rơi tõm xuống sông. Anh chàng để cho lão làm một bụng nước rồi mới giả hộ hốt hoảng xuống vớt lên. Lần ấy về nhà, anh hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Lão cười gượng:
– Giận mày tao ở với ai?
Thấy kỳ hạn sắp hết mà vẫn chưa làm được phú ông nổi giận, anh chàng tỏ ra lo lắng hết sức. Hôm sau, người ta thấy anh quảy đôi sọt ra đi. Được một lúc, anh chạy về gọi chủ rối rít:
– Thầy ơi, con úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Thò tay vào mà bắt thì sợ nó sổng mất tiếc của. Thầy ra giữ hộ con, để con còn tìm lưới bủa xung quanh mà bắt cho chắc. Con đã chặn lên mấy hòn đá, thầy ra ngay đi.
Phú ông vốn thích nuôi chim, nghe nói rất mừng, liền ra chỗ dặn thì thấy có chiếc nón úp giữa đường có dằn mấy hòn đá, bèn sụp xuống ôm lấy nón.
Vừa lúc ấy, có vua và quan lính trẩy qua, nhìn thấy một người nằm phủ phục khư khư ôm lấy chiếc nón, vua bèn cho dừng lại hỏi:
– Nhà ngươi làm gì thế này?
Phú ông đáp:
– Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân này có úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Nó ở trong nón này. Hiện đang chờ người về lấy lưới ra bắt kẻo nó sổng.
Nghe nói phượng hoàng đất, vua không ngăn được tò mò, vội truyền cho quân lính tìm cách bắt ngay cho vua xem, không đợi đưa lưới. Nhưng khi giở chiếc nón lên thì chỉ thấy lù lù một đống phân trâu, chẳng có phượng hoàng đất nào cả.
Giận vì có kẻ dám trắng trợn đánh lừa mình, vua thét lính nọc phú ông ra đánh một trận nhừ tử. Đợi chờ vua quan và lính tráng đi rồi, anh chàng mới từ trong bụi chạy ra đỡ phú ông dậy xoa bóp, rồi hỏi:
– Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông tức quá đáp:
– Mày làm cho ông suýt mất đầu, không giận mày sao được!
Mấy ngày sau, người ta thấy nhà phú ông có đám cưới, ấy là đám cưới của chàng trai lấy con gái chủ nhà mà anh đã thắng cuộc.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích gửi gắm bài học quý giá trong cuộc sống.