Nấm miệng (còn gọi là nấm Candida miệng) là một bệnh nhiễm trùng nấm men rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó gây kích ứng trong và xung quanh miệng của trẻ. Nấm miệng là do sự phát triển quá mức của một loại nấm men (một loại nấm) có tên là Candida albicans .
Nấm miệng đa số không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy vậy, cha mẹ cũng không nên bỏ qua bất cứ vấn đề nào có liên quan đến bé khi đang trong độ tuổi này.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấm miệng
Hầu hết mọi người (bao gồm cả trẻ sơ sinh) đều có nấm Candida trong miệng và đường tiêu hóa, được coi là sự phát triển bình thường. Thông thường, một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và một số vi khuẩn "tốt" kiểm soát lượng nấm này trong cơ thể .
Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu (do bệnh tật hoặc các loại thuốc như hóa trị) hoặc không phát triển đầy đủ (như ở trẻ sơ sinh), nấm Candida trong đường tiêu hóa có thể phát triển quá mức và dẫn đến nhiễm trùng.
Nấm Candida phát triển quá mức cũng gây ra tình trạng hăm tã và nhiễm trùng nấm âm đạo. Bé có thể bị nấm miệng và phát ban tã cùng một lúc.
Nấm Candida phát triển quá mức cũng có thể xảy ra sau khi trẻ được sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn vì thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn "tốt", ngăn không cho nấm Candida phát triển. Nấm miệng cũng có thể xảy ra sau khi sử dụng các loại thuốc steroid.
Triệu chứng nấm miệng ở trẻ sơ sinh
Thông thường, nấm miệng không gây đau đớn mà chỉ ngứa ngáy, nhưng cũng sẽ khiến cho bé bị khó chịu và gặp khó khăn nhiều hơn trong khi ăn uống. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết trẻ bị nấm miệng điển hình:
- Miệng hoặc lưỡi của bé xuất hiện những đốm trắng nhỏ. Những đốm trắng này có thể xuất hiện cả ở vòm họng, môi, hai bên trong của má.
- Đốm trắng khó làm sạch và nếu làm sạch sẽ thấy đốm trắng chuyển thành màu đỏ.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải các dấu hiệu khác như lười ăn, bỏ bú, quấy khóc, không chịu cho vệ sinh răng miệng... Nếu như không được điều trị kịp thời, nấm miệng sẽ lan rộng ra những vùng khác như khí quản, thực quản, từ đó gây viêm phổi hoặc tiêu chảy cho trẻ.
Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?
Bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh thường được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn nhẹ và giai đoạn nặng. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện, thời gian điều trị khỏi bệnh khác nhau, thường sẽ khỏi sau 2 tuần đến 1 tháng nếu như được điều trị đúng cách.
Ở giai đoạn nhẹ
Nếm chỉ xuất hiện những mảng trắng sữa bám chắc trên lưỡi và niêm mạc miệng trẻ, khi cạo bỏ có thể gây tình trạng chảy máu, để lại vệt tròn còn sưng đỏ. Da miệng trẻ bị khô, đỏ và nứt nẻ tại khóe miệng, cảm thấy nóng rát, đau nhức khiến trẻ bỏ ăn bỏ bú. Thời gian khỏi bệnh là khoảng 2 tuần.
Ở giai đoạn nặng
Nấm miệng phát triển dày lên và lây lan sang các cơ quan khác như hệ hô hấp (gây viêm phế quản, viêm họng...), thanh quản (gây khàn giọng, khó nói), thực quản (gây khó nuốt, nôn trớ). Thời gian khỏi bệnh thường sẽ kéo dài tới 1 tháng hoặc hơn.
Cách chữa nấm miệng ở trẻ sơ sinh tại nhà
Nấm miệng thường không thể tự khỏi do chân nấm bị cắm sâu vào trong niêm mạc má, lưỡi của trẻ và lây lan nhanh chóng. Trẻ cần được thăm khám càng sớm càng tốt và chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi bệnh. Để trẻ sơ sinh nhanh khỏi bệnh, ngoài việc kết hợp các phương pháp theo chỉ định của bác sĩ, còn có một số cách chữa khác như:
Ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và an toàn nhất đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng có chứa nguồn kháng sinh tự nhiên giúp chống lại mầm bệnh, ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn, virus và nấm..
Mẹ nên ăn uống và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và vitamin để sữa có đủ chất và mẹ có đủ sữa cho con bú.
Thường xuyên vệ sinh răng miệng cho bé
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp loại bỏ được cặn sữa, loại bỏ nơi trú ẩn của nấm Candida và các vi khuẩn có hại khác. Khi trẻ bị nấm lưỡi, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước thông thường để vệ sinh hàng ngày cho bé. Nếu dùng nước muối sinh lý, mẹ nên dùng một miếng gạc mềm, tẩm dung dịch rồi lau miệng và đầu lưỡi cho bé.
Phòng ngừa nấm miệng ở trẻ sơ sinh
Mẹ có thể phòng ngừa bệnh nấm miệng cho trẻ sơ sinh bằng cách:
- Nếu đang cho trẻ bú bình, hãy tiệt trùng núm vú và bình sữa sau mỗi lần sử dụng.
- Nếu đang cho con bú, hãy lau nhẹ núm vú của bạn giữa các lần cho bú.
- Tiệt trùng núm vú cao su thường xuyên.
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết và được bác sĩ kê đơn cho trẻ.
- Nếu trẻ đang bị hen suyễn, cần phải đảm bảo trẻ được rửa miệng bằng nước sau khi dùng thuốc ngăn ngừa hen suyễn.
- Nếu bé bị tiểu đường, hãy cố gắng giữ cho lượng đường trong máu của bé nằm trong phạm vi mục tiêu.
- Giặt quần áo ở 60 độ C để diệt nấm.
- Đựng sữa trong tủ lạnh để giúp ngăn nấm men phát triển.
- Tuyệt đối không cậy những chấm trắng ở trên lưỡi trẻ vì có thể khiến trẻ bị chảy máu dẫn đến tình trạng nhiễm trùng lưỡi và làm cho bệnh lan rộng, nặng hơn.
- Tuyệt đối không sử dụng mật ong để tưa lưỡi cho trẻ nhũ nhi vì mật ong có thể chứa các bào tử vi khuẩn clostradium botulinum, chuyển dạng thành vi khuẩn sống gây nguy hiểm cho trẻ.
Cần phải lưu ý rằng, nếu mẹ đang cho con bú sữa mẹ và núm vú của mẹ bị tấy đỏ, đau, mẹ có thể đã bị nhiễm nấm men trên đầu vú. Để tránh tình trạng này nhiễm trùng sang bé, mẹ cần đi khám bác sĩ để phát hiện kịp thời, tránh lây nhiễm sang cho trẻ.