Được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải và đóng gói, giá nhôm gần đây đã tăng mạnh do nhu cầu tăng vọt trên toàn cầu, khi kinh tế thế giới hồi phục, trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao và nguồn cung không đều đặn.
Giá nhôm được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải và đóng gói đã tăng cao do nhu cầu tăng vọt, nguồn cung thu hẹp và chi phí vận chuyển tăng cao.
Giá nhôm kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải (hợp đồng giao dịch nhiều nhất) ngày 17/8 đạt 20.575 nhân dân tệ (3.175,74 USD)/tấn, tăng 1,6% so với phiên liền trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008. Được biết, từ ngày 22/7 đến nay, giá nhôm trên sàn Thượng Hải luôn ở mức trên 19.000 nhân dân tệ (2.934 USD)/tấn.
Trong khi đó, giá nhôm ở Mỹ và Châu Âu cũng cao kỷ lục do Nga duy trì thuế khai thác và xuất khẩu nhôm trong vòng nhiều tháng.
Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (hợp đồng tham chiếu) kết thúc phiên 16/8 duy trì quanh mức cao nhất trong vòng nhiều năm, là 2.635 USD/tấn, sau khi tăng hơn 30% trong năm nay. Mới đây, giá nhôm có thời điểm đạt 2.642 USD/tấn, sao nhất kể từ tháng 4/2018, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rusal.
Người tiêu dùng khi mua nhôm giao ngay trên thị trường hàng thực phải trả giá cao hơn so với hợp đồng tham chiếu trên sàn London (LME) cộng thêm cước phí vận chuyển, thuế và phí bốc xếp/bốc dỡ. Mức cộng giá nhôm tại Châu Âu và Mỹ (so với giá tham chiếu ở LME) hiện đều ở mức cao kỷ lục, lần lượt là 360 USD/tấn và 760 USD/tấn.
Giá nhôm ở Mỹ và Châu Âu
Nguồn cung từ Nga và Trung Quốc bị gián đoạn
Nga đã áp thuế 15%, tương đương tối thiểu 254 USD/tấn đối với xuất khẩu nhôm từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay. Rusal là nhà sản xuất nhôm duy nhất của Nga, chiếm 6% nguồn cung toàn cầu ước - tính khoảng 65 triệu tấn trong năm 2020. Nga áp thuế xuất khẩu nhôm, cũng như một số mặt hàng khác, để ngăn chặn lạm phát giá trong nước đang tăng cao.
Có thông tin Nga có thể sẽ áp thuế vĩnh viễn đối với xuất khẩu nhôm sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Kinh tế nước này phê chuẩn, mặc dù kỳ vọng mức thuế suất đó có thể thấp hơn đáng kể so với mức hiện đang áp dụng.
Đáng chú ý, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã dừng việc xem xét phê duyệt những đề xuất về các dự án mới tiêu thụ nhiều năng lượng không có sự hỗ trợ của Chính phủ ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Tân Cương – đều là những khu vực sản xuất nhôm lớn của nước này, sau khi mức tiêu thụ năng lượng gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Những tỉnh này, với lợi thế giá điện thấp vì có nhiều nhà máy thủy điện, đã nổi lên thành trung tâm sản xuất nhôm primary (nhôm sản xuất từ quặng nhôm) của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà máy luyện kim của họ gần đây phải đối mặt với những thách thức sau khi chính quyền yêu cầu họ giảm mức sử dụng điện kể từ tháng 5 trong bối cảnh nguồn cung cấp điện bị hạn chế.
Huatai Futures cho biết: "Sản lượng nhôm điện phân (ở Trung Quốc) tiếp tục giảm trong tháng 7. Các chính sách cắt giảm tiêu thụ điện ở các khu vực khác nhau tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung nhôm".
Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy luyện nhôm primary ở Vân Nam trong tháng 7 chỉ còn 75,4%, giảm 19,7% so với một năm trước đó. Các lò luyện kim ở Quảng Tây và Quý Châu cũng được yêu cầu giảm tải điện do thiếu hụt.
Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc đã thực sự ảnh hưởng đến ngành nhôm khổng lồ của nước này. Quốc gia này đang chứng kiến nhu cầu sử dụng điện chưa từng có trong mùa Hè này, dẫn đến quá tải lưới điện và mất điện thường xuyên.
Ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc là một trong những ngành tiêu thụ nhiều điện năng nên thường được gọi là "con hổ ngốn điện". Mức tiêu thụ điện tăng vọt và tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp điện dự kiến sẽ hạn chế sản xuất nhôm primary trong năm 2021, báo hiệu giá nhôm tại nước này sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa trong thời gian tới.
Khi việc sử dụng điện ngày càng tăng và nguồn cung bị thắt chặt, một số tỉnh và khu vực ở Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty sử dụng điện địa phương hãy thận trọng.
Một số nguồn tin cho biết, các nhà sản xuất nhôm đã phải giảm công suất và tạm dừng một số dự án cho đến khi tình trạng thiếu điện giảm bớt. Công suất hoạt động của các công ty này cũng có thể sẽ bị hạn chế hơn nữa nếu tình trạng hạn chế cung cấp điện vẫn tiếp diễn.
Các dự án sản xuất nhôm primary công suất mới ở các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây dự kiến sẽ đi vào hoạt động muộn hơn theo kế hoạch dự kiến do tình trạng thiếu điện. Các nhà máy luyện nhôm ở Nội Mông cũng chịu áp lực vì công suất mới của họ ít có khả năng được đưa vào hoạt động trong bối cảnh Nhà nước yêu cầu giảm mục tiêu tiêu thụ năng lượng cao.
Trong khi đó, nhu cầu nhôm ở hạ nguồn vẫn không ngừng tăng từ các lĩnh vực: Xây dựng, đóng gói, xuất khẩu, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Sự phát triển của ngành sản xuất nhôm Trung Quốc có tỷ lệ thuận với mức độ tiêu thụ điện năng tăng đột biến ở nước này những năm gần đây.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, mức tiêu thụ điện của nước này tháng 7 đã tăng 12,8% so với một năm trước đó, lên 775,8 tỷ KWh, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 65,3% trong tổng tiêu thụ điện. So với tháng 6 năm nay, mức tiêu thụ điện trong tháng 7 cũng cao hơn 10,3%.
Trong khi đó, sản lượng nhôm primary của Trung Quốc đạt 37,08 triệu tấn vào năm 2020. Theo tính toán của S&P Global Platts, để sản xuất được sản lượng đó thì các nhà máy nhôm phải sử dụng tổng cộng 500,6 tỷ KWh điện, dựa trên tính toán sản xuất mỗi triệu tấn nhôm primary cần 13.500 KWh.
Với thực tế đó, dự báo thị trường nhôm thế giới sẽ có sự phân hóa lớn. Trong khi giá nhôm ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong vài tháng tới, thì người tiêu dùng phương Tây đang chuyển sang sử dụng nhôm dự trữ. Khi các thời hạn áp thuế suất đối với mặt hàng khẩu nhôm kết thúc, dự báo mức cộng giá nhôm của Mỹ sẽ giảm dần, có thể xuống 570 USD/tấn vào cuối năm 2022.
Mức cộng giá nhôm Mỹ dự báo sẽ giảm dần
Tham khảo: Refinitiv, Spglobal