Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra tại Trần Anh, nên vui hay nên buồn?

30/11/2021 10:46

Cổ phiếu của Trần Anh đã tăng 1 chặp 11 phiên trần sau khoảng 3 năm gần như nằm im bất động.

Tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua và đầu tuần này trên sàn UPCOM chính là mã cổ phiếu TAG của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh.

Cụ thể, sau khoảng 3 năm dài cổ phiếu này không có giao dịch, thị giá đi ngang, hàng tháng và chỉ lẻ loi một vài phiên có mấy trăm cổ phiếu được khớp lệnh.

Bỗng nhiên, trong phiên giao dịch ngày 12/11, TAG có một phiên giảm sàn, mất đến 40% thị giá, tương đương mức giảm 10.800 đồng/cổ phiếu. Từ mức giá 27.000 đồng, TAG rơi thẳng xuống 16.200 đồng/cổ phiếu bất chấp không có bất kỳ thông tin nào gây tác động đến giá cổ phiếu này.

Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn chính là sau mức "nhún" này, TAG đã có đến 11 phiên tăng trần liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, TAG chốt ở mức giá 70.200 đồng/cổ phiếu, tăng 14,9% so với phiên trước đó.

Tính chung, 11 phiên tăng giá đã khiến cổ phiếu này tăng thêm 54.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 430% chỉ trong vòng 14 ngày, một mức tăng cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của cổ phiếu công ty này.

Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra tại Trần Anh, nên vui hay nên buồn? - Ảnh 1.

Cổ phiếu TAG có nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Nguồn: Cafef.

Mặc dù mức tăng cao, nhưng thanh khoản của cổ phiếu này cực thấp. Trong phiên giao dịch hôm nay, chỉ có 500 cổ phiếu được khớp lệnh. Nguyên nhân là bởi, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này khá cô đặc. Hiện tại, Thế giới Di động đang nắm giữ tới hơn 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp này, do đó lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường là không nhiều.

Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh được thành lập từ năm 2002, được biết đến là một địa chỉ mua sắm máy tính và linh kiện tin cậy nhất Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính: Kinh doanh các sản phẩm thiết bị tin học, thiết bị văn phòng-IT; các sản phẩm điện thoại, máy ảnh, thiết bị kỹ thuật số-TBS; sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng-CE và các hoạt động kinh doanh khác.

Công ty này có mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu những năm 2000. Tuy nhiên, do chiến lược mở rộng quy mô dẫn đến tình trạng làm ăn thua lỗ. Năm 2018, Thế giới Di động đã chi khoảng 850 tỷ đồng sở hữu hơn 23,6 triệu cổ phiếu TAG, tương đương 95% vốn, chính thức thâu tóm Trần Anh. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động hiện là Chủ tịch HĐQT tại Trần Anh.

"Trần Anh hiện không còn bán lẻ, toàn bộ được chuyển giao cho Điện máy xanh thuê lại nên không còn gì là khó khăn để giải quyết", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động phát biểu trong một cuộc gặp các nhà đầu tư cuối năm 2018.

Hiện TAG niêm yết tại UPCoM và đăng ký hoạt động chính là cho thuê mặt bằng, kinh doanh và cung cấp dịch vụ bảo hành thiết bị tin học, điện tử, gia dụng và viễn thông.

Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra tại Trần Anh, nên vui hay nên buồn? - Ảnh 2.

Báo cáo kinh doanh của Trần Anh.

6 tháng đầu năm 2021, Trần Anh ghi nhận doanh thu gần 70 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu đến từ việc cho Thế giới Di động thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu (với hơn 67 tỷ đồng). Tổng tài sản của Trần Anh tính đến cuối tháng 6 là 255,6 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm.

Trong quý 3/2021, doanh thu của Trần Anh đạt xấp xỉ 32 tỷ đồng, lãi gộp gần 231 triệu đồng, gần gấp 3 lần so với khoản lãi hơn 73 triệu đồng trong quý 3/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu ghi nhận 101,4 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế gần 10,3 tỷ đồng.

 

Pha Lê