Vì sao Jetstar Pacific đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines

15/06/2020 18:56

Ngày 15/6, Vietnam Airlines cho biết đã thống nhất với Qantas đổi tên hãng Jetstar Pacific thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.

Việc thay đổi tên thương hiệu này nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Vietnam Airlines cho biết đã thống nhất với Qantas đổi tên hãng Jetstar Pacific thành Pacific Airlines.

Về động thái này, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines, cho biết các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Việc đồng bộ hóa hệ thống bán và mạng bay của Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Theo ông Trịnh Hồng Quang, một trong những lý do khiến Jetstar Pacific ra đời đã lâu song không phát triển bứt phá lên được là do sự khác biệt về quan điểm, văn hóa, cách làm giữa các cổ đông. Do đó, Vietnam Airlines nhận thấy cần thay đổi cơ cấu tổ chức, phương thức sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu để Jetstar Pacific trở thành hãng hàng không hoạt động có hiệu quả.

Việc tái cơ cấu lần này gồm các nội dung lớn: Thứ 1 là tái cơ cấu cổ đông. Qantas có phương án bàn giao lại 30% số cổ phần mà hãng đã mua lại của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ năm 2007 cho Vietnam Airlines. Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 98% cổ phần của Jetstar Pacific.

Tiếp đó thay đổi phương thức tổ chức bán. Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành - để đồng bộ hóa mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines. Như vậy, Jetstar Pacific sẽ phối hợp với Vietnam Airlines, tận dụng mạng bán sâu rộng của Vietnam Airlines trên khắp thế giới để sản phẩm của Jetstar Pacific được đưa đến khắp các thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo lợi ích cao nhất.

Cuối cùng, Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Bộ nhận diện và màu sơn máy bay dự kiến của Pacific Airlines. (Ảnh: VnExpress)

Ông Gareth Evans, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar cho biết: “Trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch Covid-19, chúng tôi cho rằng đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Đồng bộ hoá hệ thống đặt chỗ sẽ giúp Pacific Airlines giảm chi phí và tạo nền tảng vững chắc để hãng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ sau khi các quy định về hạn chế di chuyển quốc tế được gỡ bỏ.”

Hiện tại, hai cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.

Jetstar Pacific lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỉ đồng

Năm 1991, Jetstar Pacific được thành lập với số vốn góp 40 tỉ đồng của 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1995, Jetstar Pacific trở thành đơn vị thành viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines. Sau đó, phần vốn góp nhà nước được chuyển giao cho Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ.

Năm 2007, Tập đoàn hàng không lớn Australia là Qantas đã mua lại 30% cổ phần của Jetstar Pacific để trở thành cổ đông chiến lược của hãng. Đến tháng 2/2012, Vietnam Airlines một lần nữa trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific khi tiếp nhận quyền đại diện 70% cổ phần từ SCIC. Hiện nay, các cổ đông của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines (nắm 68,86% cổ phần), Qantas (nắm 30% cổ phần) và Saigontourist (nắm 1,14% cổ phần).

Trước khi Vietjet Air gia nhập thị trường hàng không thì Việt Nam chỉ có hai hãng hàng không chính cung cấp dịch vụ bay nội địa. Mặc dù thị trường rộng lớn nhưng Jetstar Pacific không có kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2009, Jetstar Pacific báo lỗ tới gần 700 tỉ đồng; doanh thu chỉ 1.700 tỉ đồng. Lý giải nguyên nhân kinh doanh lỗ, ban lãnh đạo của Jetstar Pacific cho biết do ảnh hưởng từ bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging) và chi phí phạt do hủy hợp đồng thuê máy bay đã ký trong năm 2008.

Đến giai đoạn 2010 - 2011, mặc dù không còn chịu tác động từ các khoản chi phí bảo hiểm xăng dầu và phí phạt do hủy hợp đồng thuê máy bay nhưng Jetstar Pacific vẫn thua lỗ. Đặc biệt, số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỉ đồng.

Đến khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông, Jetstar Pacific không những không thoát khỏi tình trạng lỗ mà trái lại số lỗ còn lớn hơn. Cụ thể, hãng hàng không giá rẻ báo lỗ sau thuế gần 900 tỉ đồng năm 2016, lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỉ đồng trong năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific đã lên tới trên 4.286 tỉ đồng, vượt cả vốn điều lệ của công ty.

Sau nhiều năm nỗ lực tái cơ cấu, tập trung đầu tư đội bay mới, năm 2018 Jetstar Pacific bắt đầu báo lãi 34 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2019 hãng công bố lãi hơn 205 tỉ đồng

Cân đối rủi ro cạn tiền, Vietnam Airlines đề xuất vay 4.000 tỉ đồng

Đại diện Vietnam Airlines mới đây cho hay, sản lượng năm nay dự kiến giảm 48% so với năm trước, kéo theo doanh thủ giảm 50.000 tỉ đồng. Từ chỗ hãng đang lãi năm ngoái, chuyển sang lỗ gần 20.000 tỉ đồng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ từ 15.000 -16.000 tỉ đồng.

Để giúp hãng vượt qua khó khăn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho vay tái cấp vốn số tiền khoảng 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp; thời gian vay tối thiểu 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Vietnam Airlines cũng đề xuất phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, nhà nước sử dụng các nguồn vốn hoặc giao SCIC mua cổ phần Vietnam Airlines, quy mô phát hành phù hợp với số tiền được vay, đảm bảo tổng nguồn vốn bổ sung khoảng 12.000 tỉ đồng.

Trong giai đoạn trung và dài hạn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, tổng tiền huy động khoảng 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không Việt, như miễn giảm thuế, phí, đặc biệt với các thuế nhiên liệu bay…

 

Mai Anh