Dầu vững giá
Giá dầu kết thúc phiên vừa qua gần như không thay đổi mấy so với phiên trước đó mặc dù tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Nhà đầu tư đang xem xét đánh giá triển vọng nhu cầu xăng dầu trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng.
Đóng cửa phiên 5/5, giá dầu Brent tăng nhẹ 8 US cent lên 68,96 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm nhẹ 6 US cent xuống 65,63 USD/thùng.
Trong phiên, giá cả 2 loại dầu đều có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 trước khi quay đầu giảm xuống. Mốc 70 USD/thùng đã trở thành giới hạn của thị trường dầu mỏ kể từ tháng 3, trong bối cảnh nhà đầu tư không muốn đẩy giá lên cao hơn nữa khi mà số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô của nước này trong tuần qua giảm 8 triệu thùng, vượt xa mức dự báo là giảm 2,3 triệu thùng. Xuất khẩu dầu của nước này cũng tăng lên 4,3 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, và sản lượng tinh chế dầu cũng cao nhất kể từ tháng đó.
Vàng tăng trở lại
Giá vàng hồi phục nhẹ trong phiên vừa qua do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều giảm.
Theo đó, vàng giao ngay giá tăng 0,3% lên 1.784.23 USD/ounce. Phiên liền trước, giá vàng giao ngay giảm 0,8%. Vàng kỳ hạn tháng 6 trong phiên vừa qua cũng tăng 0,5% lên 1.784.3 USD/ounce.
Giá vàng phiên trước đó giảm sau bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen rằng Mỹ có thể cần làm gì đó để hạ nhiệt nền kinh tế nước này – gây ra bởi những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Nhưng ngay sau phát biểu đó, bà nói thêm rằng bà không nhận thấy nguy cơ lạm phát tăng cao ở Mỹ. Do đó, các nhà kinh doanh vàng cho rằng trên thực tế thì không có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào thời điểm hiện tại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phiên vừa qua giảm khỏi mức cao, trong khi USD kết thúc phiên cũng lùi khỏi mức cao nhất 2 tuần.
Đồng đạt đỉnh 10 năm do kỳ vọng nhu cầu cao
Giá đồng tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua sau khi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng bởi Covid-19, làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh.
Hợp đồng kim loại đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London phiên vừa qua có lúc đạt 10.040 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011, khi giá đạt kỷ lục 10.190 USD/tấn. Tuy nhiên, lúc đóng cửa giao dịch, giá giảm nhẹ 0,4% so với phiên trước, xuống 9.922 USD/tấn.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: "Việc nhà đầu tư mua vào khi giá đồng chạm mức kỹ thuật quan trọng 10.000 USD/tấn là rất hợp lý", và cho biết người tiêu dùng có thể tạm dừng mua nếu giá đồng tăng cao hơn nữa.
Giá đồng tăng chủ yếu do thị trường hưng phấn trước thông tin các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại và hoạt động mua đầu cơ.
Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980, trong khi hoạt động sản xuất của Anh tháng vừa qua tăng nhanh nhất trong gần 27 năm.
Ngô vượt mức cao nhất hơn 8 năm, lúa mì và đậu tương cũng tăng
Giá ngô Mỹ phiên vừa qua tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm trong khi nhu cầu mạnh mẽ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tham chiếu (giao tháng 7) tăng 11-3/4 US cent lên 7,08-1/2/bushel, trong phiên có lúc đạt 7,12 USD, cao nhất kể từ tháng 3/2013. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 24-1/4 US cent lên 6,04-3/4/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 6,06-1/2 USD/bushel.
Giá ngô và các ngũ cốc khác tăng mạnh đã kéo theo chi phí sản xuất ethanol làm từ ngô và thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Giá ngô tăng cũng là lý do khiến giá lúa mì và đậu tương tăng. Phiên 5/5, lúa mì kết thúc ở mức tăng 17-3/4 US cent lên 7,44-1/2 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 4 US cent lên; đậu tương kỳ hạn tháng 11 – đại diện cho vụ sẽ thu hoạch vào mùa Thu – tăng 19-1/2 US cent lên 13,82-3/4 USD/bushel.
Cà phê đạt đỉnh nhiều năm
Giá cà phê arabica và robusta đều tăng lên mức cao nhất nhiều năm do tâm lý lạc quan xuất hiện trên cá thị trường tài chính, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.
Kết thúc phiên giao dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 9,5 US cent (6,8%) lên 1,4985 USD/lb, mức cao nhất kể từ tháng 2/2017. Cà phê robusta kỳ hạn tương tự cũng tăng 64 USD (4,3%) lên 1.538 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2019.
Các quỹ đầu cơ muốn mua nhiều hàng, song người sản xuất lại bán cầm chừng vì người trồng cà phê ở Brazil lo ngại sản lượng năm nay giảm.
Báo cáo mới đây của các chuyên gia cà phê như Starbucks cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này đang được cải thiện khi quá trình tiêm chủng COVID-19 đạt nhiều tiến triển.
Ngân hàng Commerzbank cho biết, trái ngược với arabica, vụ thu hoạch robusta tại Brazil dự kiến đạt 20,7 triệu bao. Ngân hàng này nhận định: "Giá robusta trong quý 4 sẽ ở mức 1.300 USD/tấn".
Đường tăng tiếp
Giá đường tăng do lo ngai về nguồn cung trong bối cảnh giá dầu tăng khiến ngành chế biến mía Brazil có thể chuyển một phần mía nguyên liệu sang sản xuất ethanol.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,41 US cent, tương đương 2,4%, lên 17,53 cent/lb.
"Mặc dù chúng tôi không mong đợi giá sẽ tăng bền vững như hồi tháng 2, nhưng chúng tôi đang nâng dự báo về giá (đường thô) trong quý 4 lên 16 US cent/lb", bởi: "Rủi ro (về nguồn cung) đã tăng lên và giá dầu cao có thể dẫn tới sự chuyển đổi tỷ lệ lớm mía sang (sản xuất) ethanol. Ngoài ra, dự báo (về sản lượng) mía đường của Brazil đã bị điều chỉnh giảm do thời tiết khô hạn kéo dài", ngân hàng Commerzbank cho biết.
Tuy nhiên, Công ty tư vấn về đường và ethanol, Datagro, cho rằng cán cân cung đường toàn cầu đang đổi chiều từ thiếu hụt trong niên vụ 2020/21 sang dư trong niên vụ 2011/12, bất chấp sản lượng của Brazil sụt giảm. Lý do bởi sản lượng hồi phục ở Thái Lan và bội thu ở Ấn Độ.
Phiên vừa qua, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 11 USD (2,4%) lên 460,80 USD/tấn.
Philippines giảm hạn ngạch và tăng thuế nhập khẩu thịt lợn
Bộ Nông nghiệp Philippines hôm qua 5/5 cho biết nước này sẽ điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu thịt lợn trong năm nay, theo đó hạn ngạch nhập khẩu sẽ giảm xuống 254.210 tấn từ 404.000 tấn đưa ra trước đây, đồng thời nâng thuế nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn cần được Tổng thống Duterte thông qua.
Theo đó, thuế nhập khẩu thịt lợn trong hạn ngạch sẽ được nâng lên 10%, ngoài hạn ngạch lên 20% cho thịt nhập khẩu trong trong 3 tháng đầu tiên, tăng so với lần lượt 5% và 15% đưa ra trước đây. Trong 9 tháng còn lại, thuế quan sẽ được ấn định ở mức 15% đối với thịt nhập khẩu trong hạn ngạch và 25% đối với nhập khẩu ngoài hạn ngạch, tăng so với các mức thuế đã được phê duyệt trước đó lần lượt là 10% và 20%.
Sản lượng thịt lợn Philippines năm 2020 giảm 20%, giảm tiếp 20% trong quý 1/2021.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/5