Tính đến ngày 31-3-2023, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt trên 406 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 292 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, tất cả mảng kinh doanh chính gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tài chính tiêu dùng đều tăng trưởng.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của HDB đạt 5.657 tỷ, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 22,0% và 2,0%. Nợ xấu riêng lẻ ở mức thấp chỉ 1,1%. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) nằm trong TOP dẫn đầu với mức 12,5% nhờ tăng trưởng đồng thời cả về thu nhập lãi, thu dịch vụ và kiểm soát hiệu quả chi phí.
Thời gian qua, HDB chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp nông thôn, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi. Ngoài ra, Ngân hàng cũn tiếp tục thúc đẩy các gói vay ưu đãi dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gói cho vay công nhân, cho vay số hóa các hoạt động kinh doanh và vận hành…
HDB cũng không ngừng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bằng việc ứng dụng các công nghệ hàng đầu như eKYC, OCR, RPA, Voicebot, Marketing Automation, Machine Learning... để mang đến nhiều sản phẩm số hóa nổi bật, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhờ đó, chi phí hoạt động được tối ưu giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) đạt 34,6% tốt hơn mức 37,6% của quý I/2022, cho thấy rõ hiệu quả của các chương trình tự động hóa và số hóa công tác vận hành.