Sáng ngày 14/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 70,39 USD/thùng, tăng 0,20 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 73,64 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu vẫn tăng khá tốt khi hoạt động sản xuất có thể sẽ bị gián đoạn nữa do thời tiết xấu, với việc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự báo bão nhiệt đới Nicholas sẽ di chuyển dọc theo bờ biển Nam Texas vào ngày 13/9 và đổ bộ gần Corpus Christi vào đêm nay.
Công ty Royal Dutch Shell đã bắt đầu sơ tán nhân viên khỏi một giàn khoan dầu ở Vịnh Mexico và các công ty khác bắt đầu chuẩn bị cho các trận gió bão, theo Reuters.
Trong ước tính mới nhất, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng, bão Ida đã khiến dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 30 triệu thùng, qua đó tạo sự thiếu hụt lớn trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô Mỹ. Ngoài ra, sự thiếu hụt hàng hoá tại nhiều nước châu Âu và Mỹ có thể là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất, cung cấp ở khu vực châu Á tăng cường sản xuất, kết nối các chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hoá, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô.
Mặc dù OPEC cho biết việc phục hồi nhu cầu dầu hơn nữa sẽ bị trì hoãn cho đến năm sau khi mức tiêu thụ sẽ vượt qua mức trước đại dịch, các nhà phân tích lưu ý OPEC và các đồng minh, gồm cả Nga, được gọi là OPEC+, vẫn đang tăng sản lượng.
Ngoài dự báo về nhu cầu của OPEC, các yếu tố giảm giá khác đã kìm hãm đà tăng của giá dầu, gồm nguồn cung dự kiến tăng sau kế hoạch giải phóng dầu từ các kho dự trữ quốc gia tại Mỹ và Trung Quốc, và khả năng Iran có thể tiến gần hơn tới mục tiêu bán dầu ra thế giới một lần nữa.