Sáng ngày 13/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 70,01 USD/thùng, tăng 0,54 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 73,47 USD/thùng, tăng 0,55 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 13/9 tăng mạnh chủ yếu do thị trường dầu thô lo ngại nguồn cung dầu bị thiếu hụt trong ngắn hạn khi các hoạt động sản xuất, khai thác dầu khi ở Vịnh Mexico chưa thể khôi phục, và tình trạng này được nhận định sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2021.
Theo nhà phân tích Liu Yuntao của trung tâm Energy Aspects, chính sự thiếu hụt nguồn cung trên là nguyên nhân của việc Trung Quốc xả kho dự trữ dầu thô ra thị trường thông qua đấu giá công khai để thay thế nguồn cung mà các nhà máy lọc dầu lớn đã ký trong tháng 9 và 10 từ hãng Shell, nhà cung cấp đang khai thác dầu ở Vịnh Mexico.
Theo số liệu chính thức vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, dự trữ dầu thô nội địa của nước này trong tuần kết thúc ngày 3/9/2021 đã giảm 1,5 triệu thùng. Con số này thấp hơn nhiều con số dự báo 4,6 triệu thùng/ngày nhưng nó vẫn cho thấy nhu cầu dầu thô của nước này đang gia tăng.
Tuy nhiên, dữ liệu của EIA cũng cho thấy, dự trữ xăng của nước này đã sụt giảm mạnh 7,2 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa con số dự báo giảm 3,4 triệu thùng/ngày được các nhà phân tích đưa ra trước đó, và đây là một trong những động lực quan trọng đã đẩy giá dầu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, kỳ vọng cải thiện mạnh khi tình hình thiếu hụt nhiều loại hàng hoá thiết yếu ở Mỹ, châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ở khu vực châu Á đẩy mạnh sản xuất nhằm nắm bắt thời cơ của thị trường.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi tâm lý lạc quan, kỳ vọng của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu những tháng cuối năm khi các nước như Mỹ, EU bước vào mùa cao điểm mua sắm trong năm, và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD được triển khai.
Ở một khía cạnh khác, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư được củng cố bởi một loạt các động thái từ Fed, ECB… và đặc biệt là việc các nước đẩy mạnh lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, thiết lập “trạng thái bình thường mới” đã làm giảm bớt một cách đáng kể áp lực về sự gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, qua đó tạo điều kiện cho các lĩnh vực vật tải, hàng không sôi động trở lại... đã tạo động lực cho giá dầu trong tuần này.
Trọng tâm tuần này cũng sẽ là tin tức về sự thay đổi triển vọng nhu cầu dầu cho năm 2022 từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, và liệu sự lan rộng của biến thể Delta có trì hoãn việc quay trở lại mức nhu cầu năm 2019 hay không.