Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh trong báo cáo giải trình tiếp thu cho biết đa số các ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Kiến nghị trên được đưa ra căn cứ vào việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Ủng hộ “khai tử” dịch vụ này, thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (đại biểu An Giang) cho rằng hoạt động đòi nợ thuê nếu tồn tại sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và gây ra hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội.
Khi quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức được thông qua, các công ty có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thu hồi nợ như: Dân An, Đại Việt, Minh Tín, ... đã đến lúc phải tìm hướng đi mới cho mình.