Hoa cúc
Cúc có khoảng 13.000 loài, trong đó hai vị thường dùng nhất là bạch cúc (cúc trắng) và kim cúc (cúc vàng). Theo Tây y, cúc hoa chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số axít amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen - một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống oxy hóa, chống lão hóa và crom là chất phân giải, bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch.
Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hỏa. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt.
Hoa cúc có thể chữa được các chứng huyết áp, đau đầu, mờ mắt. Nếu sử dụng chúng hãm uống thường xuyên giúp tăng tuổi thọ, lâu bạc tóc... Trẻ em ăn uống không tiêu, đầy bụng hoặc sốt cao, có thể dùng hoa cúc hãm với nước sôi uống sẽ mau hết bệnh.
Kim ngân hoa
Kim ngân hoa là vị thuốc được bào chế từ hoa của cây kim ngân. Kim ngân hoa có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, kháng virus. Nhiều nghiên cứu chứng minh, kim ngân hoa có tác dụng ức chế vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lị, trực khuẩn ho gà, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, cùng một số loại nấm, virus cúm.
Ngoài ra, kim ngân hoa còn có tác dụng chống viêm, làm giảm chất xuất tiết, giải nhiệt và làm tăng tác dụng thực bào của bạch cầu.
Trong các vị thuốc y học cổ truyền, kim ngân hoa được coi là thuốc quý, ví như kháng sinh thực vật, tác dụng điều trị hiệu quả nhiều bệnh có liên quan tới nhiễm khuẩn. Kim ngân hoa với tính vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn.
Bồ công anh
Loài hoa dại này mọc rất nhiều ở những nơi hoang vắng. Nó được chứng minh có tính chất phytochemical và pharmacological giúp lợi tiểu, chống viêm, chống oxy hóa, tăng đường huyết…
Người ta thường dùng hoa bồ công anh để trộn vào salad ăn sống. Nó cũng có thể được hấp hoặc làm mứt, siro, rượu vang. Loại dược liệu này còn được dùng để điều trị táo bón hay các vấn đề về da.
Hoa hồng
Có nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Để làm thuốc người ta thường hái những đóa hoa mới nở. Khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.
Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Để chữa trị các chứng bệnh: ho ra máu, tiểu tiện, lị ra máu... lấy 10 bông hoa hồng đỏ nấu với một ly đậu đen và một ít đường. Uống 3 lần/ngày trong 3 - 5 ngày.
Trong khi đó, hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.
Ngoài ra, tinh dầu hoa hồng còn được dùng để hỗ trợ chữa bệnh đau mắt, đau dạ dày. Hơn nữa, gần đây, các nhà khoa học tìm ra được một dược chất trong tinh dầu hoa hồng có tác dụng ngăn ngừa cơn hen phế quản.
Lưu ý, khi sử dụng các loài hoa làm vị thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để không gây hại cho sức khỏe.