Yên Bái: Tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

13/06/2023 06:05

Thực hiện tinh thần của công văn số 3435/BYT-KCB ngày 02/06/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ngày 05/06/2023, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã ban hành công văn Số: 1111/SYT-NVY về việc tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế Yên Bái yêu cầu các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm y tế các huyện, thành phố; Bệnh viện đa khoa: Hữu Nghị 103, Trường Đức; Phòng khám đa khoa: Việt Tràng An, Bạch Mai - Văn Yên, Việt Nhật, Hồng Hà, 19E. thực hiện các yêu cầu sau:

- Thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt việc thực hiện cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như: Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, nghỉ ốm hưởng chế độ Bảo hiểm nhân thọ, giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án,...

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác quản lý, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ quy định. Đồng thời tiếp tục nâng cao việc tuyên truyền, truyền thông cho cán bộ, nhân viên y tế, nghiêm cấm tiếp tay cho các sai phạm trong trục lợi từ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

- Trung tâm kiểm soát bệnh tật đăng tải, tuyên truyền nội dung Công văn này lên các kênh truyền thông hướng tới cộng đồng, để đông đảo quần chúng nhân dân biết, không tham gia vào các hoạt động mua bán các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến khám, chữa bệnh,... nhằm trục lợi từ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Sở Y tế Yên Bái cũng thông báo trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ thành lập Đoàn kiểm tra (theo kế hoạch hoặc đột xuất) về công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm như sau:

null
Luật sư Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

“Trong thời gian qua, báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần phản ánh về tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương hoạt động không đúng giấy phép được cấp, có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; một số cơ sở khám chữa bệnh hiện đang bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Cụ thể, như trong công văn số 3435/BYT-KCB của Bộ Y tế có nêu: Ngày 30/5/2023 thông tin báo chí phản ánh về việc Công an thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đồng loạt khám xét một số Phòng khám trên địa bàn, thu giữ nhiều tài liệu để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm mua bán các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh như: Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án. Đây là một trong những hành vi có dấu hiệu của việc trục lợi bảo hiểm y tế”.

Trước đây, Điều 4 Mục V Thông tư 31/2004/TT-BTC đã định nghĩa về hành vi trục lợi về bảo hiểm như sau:

Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 118/2003/NĐ-CP là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, yêu cầu, giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bảo hiểm.

Tuy nhiên, Thông tư này đã hết hiệu lực và chưa có văn bản nào hiện nay quy định về vấn đề này, nhưng vẫn có thể hiểu đơn giản hành vi trục lợi BHYT là hành vi cố ý lừa dối tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính từ hoạt động liên quan đến BHYT.

Một số hành vi trục lợi bảo hiểm y tế điển hình có thể kể đến như: Không tham gia BHYT nhưng mượn thẻ BHYT của người thân, người quen để đi khám chữa bệnh BHYT; Cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo về tiền sử bệnh tình trạng sức khỏe hoặc việc sử dụng dịch vụ y tế để nhận được các khoản thanh toán xứng đáng; Tăng giá trị của hóa đơn y tế hoặc phát sinh các chi phí không cần thiết trong quy trình điều trị để nhận được bồi thường cao hơn; Nhân viên y tế dùng mã thẻ của người bệnh tiếp tục kê khống đơn lĩnh thuốc và đề nghị thanh toán….

Luật sư Hải cũng cho biết tùy vào từng hành vi trục lợi BHYT mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt cao nhất lên tới 70 triệu đồng.

Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi trục lợi bảo hiểm y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Là một công dân cũng như người có kiến thức pháp luật nhất định, tôi cho rằng động thái của Sở Y tế tỉnh Yên Bái đặc biệt đáng hoan nghênh và cần nhân rộng tới các tỉnh thành khác nhằm đảm bảo đúng, đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia; hạn chế tình trạng trục lợi BHYT, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội” - Luật sư Hải chia sẻ.

Tân Hạ