Việt Nam nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn, tăng hơn 300%

26/04/2020 10:44

Theo Cục Thú y ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, từ đầu năm 2020 đến ngày 13/4, lượng thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam đật hơn 46.402 tấn,  ttăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu mặt hàng này từ Canada chiếm 24,59%, Đức là 19,32%, Ba Lan 14,14%, Brasil 9,50%,  Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, Liên bang Nga 4,04%... 

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập hơn 46.402 tấn thịt lợn.

Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam với 788 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường nước ta.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Italia là 3 quốc gia có số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thịt vào Việt Nam nhiều nhất, lần lượt là: 141, 139, 120.

Trong năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2018), trong đó có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.

Đây là giai đoạn giá thị lợn trong nước biến động tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa dịch Covid-19, trong khi nguồn cung ở nhiều thị trường bị gián đoạn... 

Ngoài thịt lợn, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu các loại thịt trâu bò và thịt gia cầm, gồm: hơn 37.104 tấn thịt trâu bò, trong đó thịt bò tăng khoảng 200% và thịt trâu tăng 135% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt trâu nhập khẩu 99,6% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Úc 52,23%, Hoa Kỳ 29,62%, LB Nga 5,53%. Canada 3,90%... 

Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ 65,09%, Hàn Quốc 14,07%, Braxin 9,90%, Ba Lan 3,56%, Hà Lan 4,44%, LB Nga 0,35%....

Theo khảo sát, giá heo hơi hôm nay (26/4) tại miền Nam không có biến động so với hôm qua, hiện đang được thu mua với mức 90.000 - 92.000 đồng/kg. Một số tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp giá heo được thu mua từ 85.000 - 89.000 đồng/kg.

Giá heo hơi đang được thu mua ở các tỉnh miền Bắc trong khoảng từ 90.000 - 95.000 đồng/kg.

Trước diễn biến tăng nóng của giá thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát xao để bình ổn giá thịt heo. Theo Bộ NN&PTNT, có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng trở lại. Đáng chú ý, hiện tại 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% heo thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá dẫn tới chưa thể kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg heo hơi.

Mc dù 99% các xã đã qua 30 ngày không xảy ra dịch nhưng nhiều địa phương còn e ngại chưa kịp thời công bố hết dịch để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn.

Một số địa phương chưa kịp thời hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi, làm khó khăn trong việc duy trì sản xuất, tái đàn, tăng đàn.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn không xuất hoặc xuất hạn chế heo thịt cũng làm gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung, đẩy giá tăng lên. Khâu phân phối thịt từ chuồng đến tay người tiêu dùng vẫn phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt heo tăng cao (gần 43%);

Hiện giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%.

Mai Hoa