Đậu bắp là cây có nguồn gốc Ấn Độ, được trồng nhiều nơi ở nước ta, nhất là ở các tỉnh phía Nam để lấy quả xanh ăn như các loại đậu khác.
Theo Cơ sở dữ liệu Dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 100g đậu bắp chứa 33 calo, 1,9g protein, 0,2g chất béo, 7,5g carbohydrate, 3,2 g chất xơ, 1,5g đường, 31,3mg vitamin K, 299mg kali, 7mg natri, 23mg vitamin C, 57mg magie, 82mg canxi, 0,215mg vitamin B6.
Hoa và quả của cây đậu bắp/ https://suckhoeviet.org.vn/. |
Đậu bắp cung cấp một số chất sắt, phốt pho, đồng, chất chống oxy hóa bao gồm các hợp chất phenolic và các dẫn xuất flavonoid, chẳng hạn như catechin, quercetin. Một số nhà khoa học cho rằng những hợp chất này có thể giảm nguy cơ ung thư, kháng khuẩn, chống viêm.
Theo Đông y, đậu bắp tính vị chua, dịu, mát tác dụng giảm đau và làm dịu trong các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Đậu bắp chủ trị lậu, bí tiểu, bạch đới, táo bón với liều dùng 12-16g/ngày (rễ, lá khô).
Những lợi ích sức khỏe của đậu bắp
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu
Chất insulin chứa trong đậu bắp tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu đối với bệnh nhân tiểu đường.
Sử dụng đậu bắp thường xuyên trong các bữa ăn hàng ngày hoặc uống nước đậu bắp kết hợp với điều trị bằng thuốc sẽ giúp ổn định tình trạng đường huyết.
Chúng ta nên sử dụng đậu bắp 3 - 6 tháng trở lên để có thể thấy sự cải thiện về lượng đường trong máu. Ngoài ra, đậu bắp chứa ít đường và calo nên sẽ không làm tăng lượng đường khi sử dụng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày.
Đậu bắp tính vị chua, dịu, mát tác dụng giảm đau/ https://suckhoeviet.org.vn/. |
Tốt cho xương khớp
Nhờ chứa canxi, vitamin K và axit folic nên đậu bắp sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất ở các khớp xương từ đó giúp xương chắc khỏe, giảm tình trạng mất xương hoặc loãng xương nghiêm trọng.
Ngoài ra, chất nhầy trong đậu bắp cũng giúp bổ sung độ nhờn cho các khớp xương giúp các khớp xương hoạt động linh hoạt và giảm đau nhức khớp hiệu quả.
Tránh nguy cơ thiếu máu
Nếu bạn thường xuyên sử dụng khoảng 100g đậu bắp từ 3 - 4 bữa ăn/tuần sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu máu nhờ hàm lượng chất sắt, kali trong loại rau này. Đối với bệnh nhân thiếu máu có thể uống nước đậu bắp thường xuyên sẽ đẩy nhanh quá trình tái tạo máu.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Chất nhầy chúng ta thường thấy trong đậu bắp được cấu tạo bởi 2 hoạt chất chính là collagen và mucopolysacarit tác dụng tạo môi trường cho các vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Nhờ đó tăng khả năng đề kháng cho hệ tiêu hóa. Đồng thời lượng chất nhờn này cũng có công dụng bôi trơn đường ruột làm giảm các triệu chứng táo bón.
Đậu bắp có nhiều lợi ích đối với sức khỏe/ https://suckhoeviet.org.vn/. |
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể làm giảm mức cholesterol có hại trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, béo phì và tiểu đường.
Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015-2020 khuyên bạn nên ăn 14g chất xơ trong mỗi 1.000 calo tiêu thụ. Theo đó, nữ giới từ 19 tới 50 tuổi ăn từ 25 tới 28g chất xơ; nam giới ăn 31-34g. Sau 50 tuổi, các con số lần lượt là 22g với nữ và 28g với nam.
Hỗ trợ phát triển thai nhi
Quá trình phát triển ống thần kinh, thai nhi cần nhiều các chất thuộc nhóm vitamin B và chất xơ. Vì vậy, mẹ bầu nên duy trì sử dụng đậu bắp thường xuyên từ tháng thứ 4 trở đi để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Chất nhầy và chất xơ trong đậu bắp còn giúp thai phụ hạn chế táo bón trong thai kỳ.
Hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Trong quá trình giảm cân, việc bổ sung nguồn chất xơ và đầy đủ các loại vitamin là vô cùng cần thiết. Đối với đậu bắp không chỉ chứa nhiều chất xơ cùng các loại vitamin, khoáng chất mà chúng còn có lượng calo thấp, ít đường là thực phẩm lý tưởng hỗ trợ quá trình giảm cân.