Phòng và điều trị một số bệnh quen thuộc bằng lá chanh

25/06/2024 14:28

Lá chanh được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. Bởi trong lá chanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng chống viêm, phòng các bệnh mãn tính, bảo vệ sức khỏe tiêu hóa, quản lý bệnh tiểu đường…

Theo Đông y, lá chanh có vị cay ngọt, tính ôn có tác dụng hòa đàm, chỉ khái, sát khuẩn và tiêu đờm, dùng chữa ho do lạnh, cảm sốt không ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị hen phế quản... Không chỉ vậy, lá chanh còn rất tốt cho việc chống viêm, chống nhiễm khuẩn, cân bằng tinh thần, giúp tăng cường hệ thống tiêu hóa và khử mùi. Đặc biệt, lá chanh tươi nhiều tinh dầu với mùi thơm dễ chịu nên thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải cảm rất hiệu quả. Dưới đây là những tác dụng của lá chanh với sức khỏe:

Thuốc kháng sinh tự nhiên

Lá chanh có đặc tính kháng khuẩn và chứa nhiều hợp chất có thể giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn, bao gồm limonene, citral và geraniol. Hơn nữa, các hợp chất này không chỉ kháng khuẩn mà còn mang lại cho lá chanh mùi hương cam, quýt đặc trưng. Nhờ đặc tính này nên lá chanh thường được dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh nhiễm trùng và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Khi bạn mệt mỏi hoặc cảm thấy khả năng miễn dịch suy giảm, hãy đun sôi lá chanh và uống loại nước ấm này vào mỗi buổi sáng để tăng sinh năng lượng trước khi bắt đầu một ngày mới.

Điều trị một số bệnh bằng lá chanh
Lá chanh có tác dụng phòng và điều trị một số bệnh quen thuộc - https://suckhoeviet.org.vn/.

Chữa bệnh cúm

Nếu bị cúm nặng thì bạn có thể sử dụng lá chanh để đánh bại virus cúm vì trong loại lá này có chứa dưỡng chất, giúp tạo ra bạch cầu làm cơ thể miễn dịch tự nhiên. Có thể bổ sung lá chanh vào thực đơn hàng ngày qua món salad, súp hoặc pha với nước uống để phòng tránh bệnh cúm.

Bên cạnh đó, chiết xuất vitamin C trong lá chanh sẽ giúp cho cổ họng đỡ ngứa, khó chịu và tránh được những cơn ho khan. Hãy uống nước lá chanh đun sôi kết hợp với mật ong hoặc đường thốt nốt.

Tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể

Lá chanh có khả năng ngăn ngừa các loại virus có thể khiến cơ thể bị bệnh hoặc phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Ngoài ra, tiêu thụ loại lá này cũng có thể giúp hồi sinh các tế bào cơ thể và sản sinh ra nhiều tế bào khỏe mạnh hơn, từ đó thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể.

Chống oxy hóa

Lá chanh có chứa vitamin C, hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, giúp chống lại các gốc tự do có thể gây tổn hại cho tế bào và DNA.

Ngoài ra, vitamin C có tác dụng chữa lành vết thương và phục hồi mô. Vì vậy, vitamin C có trong lá chanh có thể giúp giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh đồng thời chống lại các vết thâm do mụn trứng cá hoặc các tình trạng da khác như chàm, bệnh vẩy nến.

Lá chanh cũng chứa nhiều hợp chất đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa bao gồm flavonoid, axit phenolic và terpen. Các hợp chất này được cho là giúp trung hòa các gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.

Cải thiện tiêu hóa

Lá chanh có khả năng cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón do khó tiêu hoặc chán ăn vì chúng chứa một số hợp chất có thể có tác dụng nhuận tràng bao gồm flavonoid, dầu dễ bay hơi và tanin.

Lá chanh cũng chứa tinh dầu giúp giảm đầy hơi bằng cách thư giãn các cơ trong ruột của bạn và giảm sự tích tụ khí trong quá trình tiêu hóa.

Giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch

Lá chanh có chứa các hợp chất có khả năng góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch thông qua một số cơ chế như:

Giảm huyết áp: lá chanh có chứa flavonoid và các hợp chất khác có thể giúp thư giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng máu. Bằng cách thúc đẩy quá trình giãn mạch hoặc mở rộng mạch máu, lá chanh có thể góp phần làm giảm huyết áp.

Đặc tính chống viêm: bằng cách giảm viêm, lá chanh có thể giúp làm chậm quá trình xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Căng thẳng oxy hóa có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tim mạch khác nhau, bao gồm xơ vữa động mạch, suy tim và đột quỵ. Bằng cách vô hiệu hóa các gốc tự do, các chất chống oxy hóa trong lá chanh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tim.

Lưu ý khi sử dụng lá chanh

Mặc dù lá chanh mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe nhưng chúng có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Những người bị dị ứng cam, quýt, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên thận trọng trước khi ăn lá chanh.

Đồng thời, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi kết hợp lá chanh hoặc bất kỳ loại thảo mộc nào vào chế độ ăn uống của mình, đặc biệt nếu bạn đang có những lo ngại về sức khỏe.

Mỹ Phương (t/h)