Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 559 đồng/lít, RON 95 tăng 658 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa giữ nguyên, dầu mazut giảm 389 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh giá, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.669 đồng/lít; RON 95 là 24.996 đồng/lít, dầu diesel là 18.716 đồng/lít; dầu hỏa 17.637 đồng/lít dầu mazut là 16.821 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95, RON 92 và dầu diesel. Trích lập quỹ cho dầu hỏa là 150 đồng/lít và dầu mazut là 500 đồng/kg.
Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON 95 là 100 đồng/lít, với dầu diesel là 08 đồng/lít, dầu hỏa là 44 đồng/lít, dầu mazut là 0 đồng/kg.
Trước thời điểm 15h hôm nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex là -355 tỷ đồng.
Như vậy, đây là lần thứ 5 liên tiếp, mặt hàng xăng trong nước điều chỉnh tăng giá. Mỗi lít xăng RON 95 đã tăng thêm gần 3.900 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng thêm gần 3.800 đồng so với cách đây 2 tháng.
Giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex từ 15h chiều hôm nay 10/11.
Mức tríc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 15h chiều hôm nay.
Trước đó, trong lần điều chỉnh giá ngày 26/10 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.459 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.171 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.015 đồng/lít, dầu mazut tăng 113 đồng/kg.Việc tăng giá cao đã khiến cho mặt hàng xăng dầu lên cao nhất trong vòng 7 năm kể từ ngày 7/7/2014.
Việc xăng tăng giá, gas tăng giá công thêm tình hình Covid diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua đã khiến cho đời sống của người dân cũng như việc kinh doanh của các cửa hàng, các doanh nghiệp trên cả nước gặp vô cùng khó khăn.
Thảo luận trước Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. "Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng".
Đồng quan điểm đó, một đại biểu khách cho biết: "Trong bối cảnh này, chúng ta cũng phải xem xét tổng thể những khoản gì đã làm cho giá xăng dầu đội lên. Xem xét để thấy được các chi phí nào cần phải rà soát lại và cắt giảm để giá xăng dầu không tăng quá cao".
Ngày 1/11 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2021, sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu thay vì 2 lần 1 tháng đã được tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày.
Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
Thời gian có hiệu lực của nghị định bắt đầu từ ngày 2/1/2022.