Con trai chị Loan, ngụ quận 8, đến bệnh viện khám do nổi mụn mủ khắp tai, mặt và vùng cổ, mặt đỏ rát. Gia đình chị sống tại tầng 14 chung cư. Bé trai thấy kiến bay vào nhà nên bắt giết, sau đó lấy bông gòn nhét hai lỗ tai vì sợ kiến chui vào khi ngủ dưới sàn nhà. Sáng hôm sau, mặt con nổi đỏ chi chít, chị nghĩ là dị ứng, mua thuốc uống không bớt. Chị tưởng con bị giời leo, đến tối phát hiện kiến ba khoang bay vào nhà mới biết dính độc kiến.
Chị Minh (quận Bình Thạnh) kể buổi tối ngồi làm việc có cảm giác "con gì bò ở cổ" nên lấy tay hất ra. Khoảng 5 phút sau, vùng da cổ nóng, ngứa, rát. Nửa ngày sau, da nổi mụn nước, ngứa rát rất khó chịu, đến bệnh viện khám chị mới biết dính kiến ba khoang.
Kiến ba khoang. https://suckhoeviet.org.vn/. |
Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản. Người dân tiếp xúc với dịch do kiến ba khoang tiết ra sẽ bị kích ứng da, xuất hiện những vết mụn nước, rộp trên bề mặt da. Tình trạng này lan rộng nếu chăm sóc vết thương không đúng cách hoặc cào gãi.
Bệnh nhân đến khám sớm, được bác sĩ xử lý kịp thời, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, một số người vào viện khi tình trạng đã quá nặng do áp dụng những phương pháp dân gian, tự điều trị không đúng cách gây bội nhiễm. Cũng có nhiều bệnh nhân điều trị ở những cơ sở không uy tín, chẩn đoán sai thành bệnh zona... làm bệnh nặng thêm.
Để hạn chế nguy cơ bị kiến ba khoang tấn công, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần thiết kế lưới phòng chống côn trùng ở cửa sổ và cửa ra vào. Những nơi xác định có sự xuất hiện của kiến ba khoang, người dân cần giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến.
Người dân cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt là những nơi dễ ẩn náu của kiến như khe cửa, những vị trí ẩm thấp trong góc kẹt nhà. Mỗi người cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế phơi áo quần ban đêm.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm độc bởi kiến ba khoang rất dễ nhầm với tổn thương của bệnh zona thần kinh. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Khi bị dính chất độc của loài côn trùng này, da sẽ bị rát, đỏ thành đám, vệt, theo chiều tay quệt nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Kiến ba khoang thường tìm thấy trên ruộng đồng, trường học, ký túc xá, khu nhà trọ, nhà ở tập thể, chung cư cao tầng hoặc nơi có nhiều cây cối xung quanh. Khi ruộng xuất hiện sâu cuốn lá, rầy nâu, kiến ba khoang sẽ tìm đến chui vào tổ sâu và ăn thịt từng con. Kiến cũng thường xuất hiện ở khu chung cư cao tầng, nơi tập trung nhiều ánh đèn huỳnh quang để ăn các loại côn trùng trong nhà.
Trong mùa mưa bão, lũ lụt, kiến sẽ di cư đến vùng khô ráo hơn. Sau khi kết thúc những ngày mưa lũ làm ngập ruộng đồng, ao hồ, vào ban đêm, kiến ba khoang sẽ theo ánh đèn bay vào nhà. nếu kiến ba khoang vào bể tắm, bồn tắm; bám vào khăn mặt, quần áo; rơi vào mặt, cổ, thân mình, nếu chúng ta không chú ý, giơ tay đập, quệt, chà sát chúng trên da sẽ gây ra tổn thương da, tạo ra mảng viêm đỏ, rộp mủ, tiết dịch, các tổn thương này có thể lan ra các vùng da xung quanh.