"Sống chung với dịch" không thể thiếu thuốc điều trị
Gần 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong công tác chống dịch, từ kêu gọi toàn dân thực hiện 5K, nghiên cứu, tiếp cận các loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
Cũng kể từ khi dịch bùng phát, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng. Việc này đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh".
Nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, "sống chung với dịch" là xu thế tất yếu. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng cho thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận "sống chung" với virus.
Quan điểm "sống chung với dịch" được các địa phương cụ thể hóa thành các chính sách, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhưng cơ bản là thực hiện 5K, tiêm vắc xin và tiếp cận thuốc điều trị.
Về việc tiêm vắc xin, hiện Việt Nam có 8 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), SputnikV (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer-BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm), Hayat Vax và mới nhất là Abdala.
Về việc tiếp cận thuốc điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn thuốc điều trị Covid-19. Bộ Y tế cũng chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài, song song với việc nhập các thuốc khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Jay Grobler thông tin thuốc có tác dụng trên các loại biến chủng nCoV, bao gồm chủng trội Delta
Molnupiravir - giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong
Tại Việt Nam, Molnupiravir là một trong hai loại thuốc đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc đang thử nghiệm cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ở mức độ vừa. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khi xét nghiệm PCR dương tính, có triệu chứng, thì nên sử dụng Molnupiravir. Các triệu chứng vừa đến nặng, như triệu chứng hô hấp gồm hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi; đến bắt đầu có triệu chứng viêm phổi, khó thở
Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".
Cũng theo Bộ Y tế, đối tượng sử dụng thuốc là người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên), độ tuổi từ 18 - 65 tuổi và đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ. Người F0 có triệu chứng nhẹ gồm có các triệu chứng như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khi trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu ô xy.
Liên quan đến loại thuốc này, mới đây nhất, Jay Grobler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vaccine và bệnh truyền nhiễm của tập đoàn dược phẩm Merck cho hay viên uống molnupiravi không tấn công vào protein gai của nCov, vốn là mục tiêu của các loại vaccine hiện nay, nên vẫn sẽ phát huy hiệu quả ngay cả khi virus tiếp tục đột biến.
Thay vào đó, molnupiravi nhắm vào polymerase, loại enzyme cần thiết để virus nhân bản. Thuốc hoạt động bằng cách đưa lỗi vào mã di truyền của nCoV, nên thuốc có tác dụng trên các loại biến chủng nCoV, bao gồm chủng trội Delta. Dữ liệu thử nghiệm cho thấy thuốc hoạt động hiệu quả nhất khi sử dụng vào giai đoạn nhiễm virus ban đầu, thông báo của Merck cho hay.
Trong giai đoạn đầu tiên, công ty thử nghiệm thuốc trên mẫu dịch mũi của bệnh nhân Covid-19. Chủng Delta chưa phổ biến trong giai đoạn này, nhưng Merck sau đó đã tiến hành thử nghiệm lại molnupiravi trên mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nhiễm chủng Delta.
Công ty Merck cho hay cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ giai đoạn giữa hồi đầu năm cho thấy sau 5 ngày dùng molnupiravi, toàn bộ bệnh nhân sử dụng thuốc với liều lượng khác nhau đều âm tính, trong khi 24% bệnh nhân dùng giả dược vẫn dương tính.
Công ty đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba loại thuốc kháng virus này cùng với Ridgeback Biotherapeutics, một công ty công nghệ sinh học đồng phát triển molnupiravi, trong nghiên cứu điều trị Covid-19 và phòng ngừa lây nhiễm. Merck dự kiến kết thúc thử nghiệm vào đầu tháng 11.
(Tổng hợp: SKĐS, Reuters)