Hội thảo “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”

13/10/2022 11:27

Ngày 12/10/2022, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội thảo tại Hà Nội với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia); Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan,…; các hiệp hội như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam,… cùng đại diện một số sàn Thương mại điện tử (TTMĐ).

a4-4-1665629493.jpg

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong thời gian qua, công tác chống hàng giả nói chung và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam vẫn luôn là mối quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất xe máy cũng phải đối đầu với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy. Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.

Tính đến tháng 10/2022, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái… Thực trạng nan giải vẫn còn tồn tại đó là còn rất nhiều các sản phẩm giả, vi phạm quyền SHTT khác được bày bán trên thị trường mà vẫn chưa bị xử lý.

a1-6-1665629969.jpg

Ông Enrico Bruni - Giám đốc Tài chính, kế toán, kiểm soát khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Piaggio, đại diện VAMM phát biểu.

Cùng với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền SHTT đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam. Về nhãn hiệu, rất nhiều bên sử dụng các nhãn hiệu như “Honda”, “Yamaha”, “Piaggio”, “Vespa”,… mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền. Về kiểu dáng công nghiệp, qua quan sát trực quan, có rất nhiều mẫu xe điện ngoài thị trường có kiểu dáng công nghiệp tương tự xe máy Vespa của công ty Piaggio. Ngoài ra, các dòng xe phổ biến đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như SH của Honda,… cũng bị nhái kiểu dáng. Tinh vi hơn, các đơn vị sản xuất xe máy điện nhái kiểu dáng công nghiệp của các dòng xe có thương hiệu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để áp dụng cho sản phẩm của mình, khiến việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn.

Dưới góc độ chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy xuất hiện nhiều ở các phụ tùng thiết yếu như: phanh, dầu nhớt, mũ bảo hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, … Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ lợi nhuận mà còn uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Dưới góc độ đầu tư nước ngoài, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định Thương mại quốc tế nổi bật như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dươn (CPTTP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), trong đó việc bảo hộ thực thi quyền SHTT luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.

a5-5-1665629493.jpg

Bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ VAMM phát biểu.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của TMĐT, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng TMĐT. Chỉ cần thực hiện tra cứu nhanh qua Google hay các công cụ tra cứu cung cấp bởi sàn TMĐT, kết quả cho thấy các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy mang thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán vô cùng đa dạng với đủ loại giá thành. Bên cạnh những sản phẩm chính hãng, còn có rất nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của các thành viên VAMM.

Trước thực trạng đó, Hội thảo “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức với mong muốn đem lại cho các nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực xe máy, phụ tùng xe máy, người tiêu dùng và các cơ quan báo chí, truyền thông những thông tin mới và đầy đủ hơn về công tác này, cũng như tìm kiếm giải pháp, cơ chế phối hợp chung giữa Nhà sản xuất – Khách hàng – Các bên trung gian – Cơ quan nhà nước.

Hội thảo đã bàn luận và mở ra nhiều vấn để rất nóng về thực trạng tồn tại của hàng giả, hang nhái, vi phạm SHTT và vấn nạn này đang gây nhức nhối cho xã hội. Đồng thời cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái.

a2-5-1665629493.jpg

Trưng bày nhận diện hàng thật - giả tại Hội thảo.

Ông Phạm Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam chia sẻ: “Tác hại của hàng hóa giả trong ngành sản xuất xe máy ảnh hưởng rất lớn đến ngành kinh tế và người sử dụng. Về mặt nền kinh tế, nhà nước sẽ thất thu, không thu được thuế và nếu hàng giả nhiều thì chính sách đầu tư của nước ngoài cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với doanh nghiệp, sẽ không bán được hàng chính hãng của mình, bị giảm về doanh thu. Đối với người tiêu dùng sẽ không đảm bảo được mong muốn sử dụng hàng đúng chất lượng, ảnh hưởng tới tính mạng của mình khi sử dụng phụ tùng giả.”

Ông Thọ cũng cho biết thêm, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam đang có nhiều giải pháp và công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó có giải pháp TrueData. Nếu các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm chính hãng hay hàng giả, hàng nhái. Với giải pháp TrueData, người tiêu dùng sẽ không tốn kém gì, chỉ cần tải app về điện thoại thông minh thì có thể dễ dàng sử dụng từ đó kiểm tra được xuất xứ hàng hóa, đường đi của hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng./.

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) gồm 5 thành viên là Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki và Công ty TNHH Chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (SYM Việt Nam). Các công ty đã có thời gian phát triển lâu dài và tạo dựng dược tên tuổi nhất định đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy mang thương hiệu của mình.

Lê Gấm