Cụ thể, tại Hà Nội, quý I-2020, lượng hàng bất động sản tồn kho là 84,5%, quý II-2020 tồn kho 79,4%, quý III-2020 còn 64,9%.
Tại TP.HCM, quý I-2020 tồn kho 82,5%, quý II-2020 tồn kho 27,2%, quý III-2020 còn 24,9%. Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Lý giải về việc tồn kho giảm, Bộ Xây dựng cho biết các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện và bối cảnh hiện nay, đồng thời bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Cùng đó, hiện các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã hoạt động trở lại. Tận dụng các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang lấy đà để phục hồi sau dịch Covid-19.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá sau hai đợt dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, lượng hàng tồn kho chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư,... được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.
"Thị trường bất động sản trong quí III/2020 đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ vẫn rất lớn. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường trong thời gian tới", Bộ Xây dựng đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Bộ này, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, các văn bản qui phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Trước đó, theo số liệu Bộ Xây dựng tổng hợp từ 56/63 địa phương, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng mạnh, tổng số nhà ở đủ điều kiện được bán tăng khoảng 82% so với quý trước, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, ngoài niềm tin của thị trường, thì việc các ngân hàng đẩy mức lãi suất huy động xuống thấp đến mức kỷ lục đã khiến dòng tiền chảy mạnh sang kênh đầu tư bất động sản. Đồng thời, ngân hàng còn kết hợp với các chủ đầu tư tung ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn ở các dự án lớn, có giá trị thực, thanh khoản lớn của những chủ đầu tư uy tín.
Ngoài ra, cuối năm là thời điểm tăng tốc để các tập đoàn bất động sản hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh được đề ra. Đó là những lý do chính khiến thị trường bất động sản đang trở nên sôi động sau thời gian dài trầm lắng.
Đánh giá về phân khúc phát triển tốt nhất của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021, ông Nguyễn Mạnh Hà dự đoán, bất động sản nhà ở sẽ luôn là phân khúc có tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Tuy vậy, trong thời gian tới sẽ có thêm những phân khúc mới nhiều tiềm năng phát triển hơn.