Cổ phiếu của Dịch vụ hàng không Taseco (HoSE: AST), Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: UDC) và Du lịch dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) là những cổ phiếu mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) lưu ý khả năng hủy niêm yết bắt buộc.
Cả 3 công ty đều hoạt động kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp 2020-2021. Đến nửa đầu năm nay, BCTC soát xét bán niên tiếp tục cho thấy lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm. Do vậy, HoSE lưu ý nếu BCTC kiểm toán 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là số âm thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Trước dịch bệnh, Dịch vụ hàng không Taseco ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn, doanh thu từ 39 tỷ đồng năm 2015 lên 1.141 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ 1 tỷ lên 191 tỷ đồng. Song, dịch bệnh đã khiến doanh thu giảm sâu trong 2 năm 2020 và 2021, doanh nghiệp ghi nhận lỗ lần lượt 49 tỷ và 118 tỷ đồng.
Đến nửa đầu năm nay, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi lại của hàng khách qua đường hàng không tăng mạnh trở lại, công ty dịch vụ hàng không báo cáo doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ lên 202 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ hơn 7 tỷ đồng.
Tương tự, lĩnh vực kinh doanh chính của Du lịch dịch vụ Hội An là khách sạn, lưu trú cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm dịch bệnh. Doanh nghiệp lỗ 25 tỷ năm 2020 và 21 tỷ năm 2021. Đến nửa đầu năm nay, doanh thu tăng 47% lên 14,7 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 11,7 tỷ đồng.
Cuối cùng, Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lỗ lần lượt 10 tỷ năm 2020 và 23,4 tỷ năm 2021. 6 tháng đầu năm, công ty bất động sản lỗ tiếp 16,4 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế tính đến 30/6 ở mức 49 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 350 tỷ đồng.
Trước đó, HoSE đã lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết của cổ phiếu Công ty đầu tư và xây dựng HUD1 ( HoSE: HU1 ) nếu BCTC kiểm toán năm 2022 tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Nhận định phiên giao dịch 8/9, các công ty chứng khoán cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội – SHS nhận định: VN-Index sau nhiều phiên liên tiếp không vượt được vùng kháng cự 1.285 điểm, đã chịu áp lực bán mạnh đột biến khi lần lượt mất các vùng hỗ trợ 1.270, 1.260 và 1.250 điểm. Kết phiên VN-Index giảm mạnh -2,68% xuống mức 1.243,17 điêm với khối lượng giao dịch gia tăng đột biến hơn 48% so với phiên trước. Phiên giảm điểm này gần như lấy đi hầu hết thành quả tăng điểm của 04 tuần vừa qua.
Theo SHS, trong ngắn hạn VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.225-1.230 và kỳ vọng trong những phiên đến VN-Index vẫn có phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự của trend_line này tương ứng vùng 1.255-1.265 điểm. Để các vị thế ngắn hạn tiếp tục cơ cấu danh mục nếu có.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sau 05 vòng giao dịch T2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh.
Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục".
Tương tự, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo và điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1220 hoặc sâu hơn là 1195 (+-10) nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
“Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro” – BKSV khuyến cáo.