Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản yêu cầu thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn thành phố liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân- PV) vì những bất cập trong công tác thu gom, duy trì VSMT tại địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Cụ thể, ngày 31/12/2020 gói thầu thu gom, duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn TP.Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng (Công ty Minh Quân thực hiện) mới kết thúc. Nhưng từ ngày 25/12/2020, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, rác thải bị chất thành đống tại các điểm tập kết, trên nhiều tuyến đường chính nhưng không được di chuyển kịp thời, gây mất VSMT, mỹ quan đô thị.
Đây không phải lần đầu Công ty Minh Quân bị réo tên. Trước đó, công ty này từng dính “phốt” đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) vào ngày 4/3/2017, ngay sau khi “tiếp quản” địa bàn vài ngày.
Liên quan đến việc đổ trộm rác của Công ty Minh Quân, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco khẳng định, hành vi đổ trộm rác của Công ty Minh Quân là vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm pháp luật về chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường.
Hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, với mức xử phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào khối lượng đổ trộm. Chẳng hạn, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên.
Năm 2017, Công ty Minh Quân trúng 6 gói thầu vệ sinh môi trường lớn, trị giá hơn 1.150 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực hiện, nhiều dấu hiệu cho thấy đơn vị này quá thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường khiến rác thải liên tục bị tồn đọng qua ngày trong thời gian dài.
Đến năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội cũng thanh tra công tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường đối với 6 quận huyện và 6 nhà thầu (trong đó có Công ty Minh Quân) và đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến năng lực của nhà thầu này.
Theo đó, Thanh tra TP chỉ rõ Công ty Minh Quân sau khi trúng thầu đã tiếp nhận tới 1.000 người là những lao động thủ công thực hiện việc thu gom rác tại các ngõ xóm từ trước khi có đấu thầu tập trung, trong đó có cả những người đã quá độ tuổi lao động.
Ngoài ra, tại gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Tây Hồ trong giai đoạn 2017 - 2020, Công ty Minh Quân cũng từng để xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ trên đường phố, không vận chuyển về khu xử lý.
Điều đáng nói, vào đầu tháng 11/2020, công ty này đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (tên viết tắt Nam Hà Nội Group). Thời điểm này, Công ty Minh Quân chưa kết thức hợp đồng thu gom rác trên địa bàn TP.Hà Nội.
Hơn nữa, những ngày cuối cùng trước khi chuyển giao, Công ty Minh Quân đã không thực hiện trách nhiệm thu gom rác, hàng loạt công nhân môi trường cũng bỏ việc khiến rác ùn ứ tại nhiều tuyến phố trên địa bàn.
Về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Biên, Phó Giám đốc Công ty Luật An Phước nêu quan điểm, về nguyên tắc, khi Công ty Minh Quân đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, đây là một pháp nhân mới. Để tham gia đấu thầu phải xét năng lực tài chính. Nhưng Minh Quân đang bị thanh tra, nếu có kết luận là vi phạm thì sẽ bị kiến nghị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
"Nếu Công ty Minh Quân thành lập pháp nhân mới thì không thể tham gia đấu thầu vì không đủ năng lực. Trong hồ sơ mời thầu ở tất cả các gói thầu, chủ đầu tư sẽ đưa ra các "bài thầu" để lựa chọn được các nhà thầu tốt nhất như số năm kinh nghiệm, các dự án đã tham gia đấu thầu, kết quả hoạt động... Nói chung, đơn vị tham gia dự thầu sẽ phải chứng minh năng lực, kinh nghiệm, trang thiết bị thu gom để vượt qua "bài thầu" của chủ đầu tư", luật sư Biên phân tích thêm.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Minh Quân đang dự thầu “gói Duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm giai đoạn 2021 – 2023”.
Theo một số chuyên gia pháp lý, hiện tại Công ty Minh Quân (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) đang bị thanh tra và chưa có kết luận nên việc xác định có vi phạm hay không chưa thể tính tới. Điều 89 Luật Đấu thầu quy định rõ về hành vi bị cấm trong đấu thầu. Trong đó, có đề cập đến việc thông thầu, gian lận thầu... thì sẽ bị xử lý theo Điều 90 Luật Đấu thầu hoặc sẽ bị xử lý theo quy định về bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc để một đơn vị dính liên tiếp các "phốt", đang mang "tiếng xấu" trong việc thu gom xử lý rác thải tiếp tục trúng thầu ở một gói thầu khác trong giai đoạn này sẽ khiến dư luận lo lắng.
Ngoài ra, trong các hợp đồng ký kết với chủ đầu tư thể hiện rõ việc các bên phải thực hiện những điều khoản nào, công việc nào, khối lượng ra sao và trách nhiệm của các bên ra sao nếu không thực hiện đúng hợp đồng. Cho nên, khi chưa hết hiệu lực của hợp đồng mà một trong hai bên không thực hiện các điều khoản đã ký kết thì là vi phạm. Việc xử lý vi phạm này sẽ chiểu theo các nội dung được ký kết thỏa thuận trong hợp đồng của hai bên. "Nếu công ty Minh Quân ký hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý rác đến hết ngày 31/12/2020 nhưng lại không thực hiện hết công việc này thì đương nhiên là vi phạm và phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư", vị chuyên gia luật chia sẻ.
Công ty Minh Quân có địa chỉ tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Công ty được thành lập năm 2007. Trong quá trình hoạt động, Công Minh Quân cũng liên tục bị “bêu tên” do nợ đóng bảo hiểm xã hội trong nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Công ty Urenco 21 (đơn vị tiếp nhận VSMT trên địa bàn huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội từ năm 2021) cho biết, từ 0h ngày 1/1/2021, công ty đã huy động toàn bộ thiết bị, nhân lực để thu gom rác, đảm bảo VSMT trên địa bàn huyện. Trong 3 ngày đầu năm 2021, mỗi ngày huyện Mỹ Đức phát sinh khoảng 80 tấn rác, tất cả đều được thu gom vận chuyển về bãi rác Xuân Sơn. Riêng đối với 10.000 tấn rác tồn đọng cũ, đơn vị đã gom gọn lại chờ phương án xử lý của chủ đầu tư.