Theo thông tin vừa phát đi của Liên Bộ Tài chính - Công thương, kể từ 15h chiều ngày hôm nay, 25/11, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 được giảm 752 đồng, xăng RON 95 giảm 1.094 đồng/lít, dầu diesel giảm 330 đồng mỗi lít, dầu hỏa giảm 440 đồng/lít còn dầu mazut giảm 350 đồng/kg.
Cùng với đó, Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut là 500 đồng/kg. Đồng thời, mức chi Quỹ Bình ổn với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít, các mặt hàng còn lại không chi.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có mức giá bán tối đa là 22.917 đồng/lít; RON 95 là 23.902 đồng/lít; dầu diesel 18.382 đồng/lít, dầu hỏa 17.197 đồng/lít; dầu mazut 16.477 đồng/kg.
Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.784 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.295 đồng/lít.
Trước đó, trong lần điều hành giá ngày 10/11, xăng E5 RON 92 tăng 559 đồng/lít, RON 95 tăng 658 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa giữ nguyên, dầu mazut giảm 389 đồng/kg. Mỗi lít xăng RON 95 đã tăng thêm gần 3.900 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng thêm gần 3.800 đồng so với cách đây 2 tháng.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, mặt hàng xăng dầu giảm giá sau 5 lần tăng liên tiếp. Nguyên nhân là do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua giảm, như xăng RON 95 giảm gần 8%, còn 94,445 USD/thùng, dầu diesel hạ hơn 3,1%, là 91,49 USD/thùng...
Giá xăng dầu tăng sốc đã và đang tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất. Trước đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, mà khi kinh tế mới vừa bắt đầu phục hồi, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước, gây ra giãn cách xã hội. Thứ hai, giá xăng thế giới đang ở mức rất cao, nếu tăng nữa sẽ tác động lớn vào giá thành sản xuất.
Thứ ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho rằng hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế, chứ chưa chắc chắn. Ở mức giá xoay quanh hiện tại, các nước sản xuất dầu mỏ nắm nhiều lợi thế nhất.
Về Quỹ bình ổn giá, theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 3/2021, quỹ hiện có 824,088 tỷ đồng. Trong đó, tổng số trích trong kỳ là 502,284 tỷ đồng; tổng số sử dụng là 802,947 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư là 1,844 tỷ đồng; Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong kỳ là 14 triệu đồng.