Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất thêm 0,25% đã khiến lực bán bung mạnh ngay từ đầu phiên khiến thị trường giảm sâu. Theo đó, khép lại phiên giao dịch VN Index giảm 8,51 điểm (-0,81%) còn 1.040,61 điểm với 143 mã tăng và 247 mã giảm; HNX Index tăng 0,67 điểm (0,32%) lên 208,15 điểm với 78 mã tăng và 94 mã giảm; UPCoM Index giảm 0,5 điểm (-0,64%) còn 77,27 điểm với 131 mã tăng và 120 mã giảm. Thanh khoản thị trường ở mức vừa phải với hơn 12,2 nghìn tỷ đồng được giải ngân. Trong đó, HOSE đạt gần 10,5 nghìn tỷ và rổ VN30 đạt hơn 3,5 nghìn tỷ.
Rổ VN30 tạo sức ép lớn nhất đến thị trường khi chỉ có 6 mã tăng nhưng có tới 21 mã giảm, VN30 Index mất 11,79 điểm (-1,12%) còn 1.039,64 điểm.
Sự tích cực đến từ nhóm chứng khoán và một số mã đơn lẻ khác. Trong đó, APS, AGR, VIX tăng trần, hay HCM +1,8%, VCI +2,2%, ORS +6%, APG +5,9%, SBS +3,4%, MBS +2,4%, FTS +2,1%...
Trong khi đó, ngân hàng, thép, bất động sản, dầu khí khá ảm đạm. Nổi bật là VPB -1,8%, LPB -2,5%, CTG -2,1%, VIB -1,5%, NVL -5,2%, PDR -3,2%, KHG -2,9%, DXG -1,5%, VRE -1,6%, VIC -1,5%, HPG -1,6%, NKG -1,1%, PVD -3,1%, PVC -1,9%...
Khối ngoại bán ròng hơn 310 tỷ đồng, tập trung vào VNM (-38 tỷ), CTG (-31 tỷ), STB (-30 tỷ), GMD (-29 tỷ), MSN (-25 tỷ)…
Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường khá tích cực nhưng đà hồi phục đã bị chặn lại, VN Index giảm mạnh và quay lại vùng 1.040 điểm. Các dấu hiệu tích cực vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi cho rằng, trong những phiên tới thị trường vẫn khó đoán định với sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành và ngay cả trong từng nhóm ngành riêng. Nhiều khả năng chỉ số vẫn dao động tích lũy trong vùng 1.040 - 1.050 điểm. Các nhà đầu tư có thể giải ngân nhưng nên chọn những mã có kết quả kinh doanh tốt, hút được dòng tiền. Dù vậy, cũng cần hạn chế việc mua đuổi để hạn chế rủi ro.