Cụ thể, nam bệnh nhân tên Đ. ( 32 tuổi, ở thị xã Quảng Yên) nhập viện trong tình trạng cả người sưng nề, đau nhiều, mẩn ngứa vùng cổ, hai cánh tay và bàn tay. Trên cơ thể bệnh nhân có hơn 30 vết ong đốt.
Bệnh nhân bị đàn ong đốt phải vào viện xử lý cấp cứu. |
Tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), anh Đ. được chẩn đoán bị dị ứng do ong đốt. Người bệnh được tiêm thuốc chống dị ứng, truyền dịch, giảm đau và theo dõi sát sức khỏe.
Sau một ngày, bệnh nhân đã đỡ đau tại các vị trí bị ong đốt.
BS Bùi Thị Ngọc, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc đưa ra các biện pháp phòng tránh ong đốt:
Tránh tiếp xúc với ong và không chọc phá tổ ong.
Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa).
Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ. Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
Khi bị ong đốt ngoài việc xử trí vết thương, người bị ong đốt cần được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính khác vì gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn bị ong đốt ở vùng đầu, mặt, cổ và xác định được loài ong đốt như ong rừng, ong vò vẽ,... (loại ong có nọc độc mạnh, có khả năng gây ra nhiều biến chứng toàn thân) và xuất hiện khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu,… cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan khi bị ong đốt.