Lá hẹ có nhiều vitamin và khoáng chất. |
Theo Đông y, hẹ còn có tên gọi khởi dương thảo hay cửu thai. Lá hẹ có vị chua hăng, cay nhưng nấu chín là có tính ấm. Hẹ có công dụng ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương...
Trong 1 kg lá hẹ có 5-10g đạm, 5-30g đường, 20mg vitamin A, 89g vitamin C, 263mg canxi, 212mg phốt pho, nhiều chất xơ. Nếu ăn 86g hẹ sẽ thu được 1,9g protid, 5,1g glucid và 25 calo năng lượng.
Chất xơ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin là kháng sinh mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.
Cây hẹ cho nhiều kháng sinh quý đặc biệt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em.
Theo sách Nội kinh, Xuân - Hạ dẫn dương tức mùa xuân nên ăn các món bổ dương khí và hẹ nằm trong nhóm thức ăn đó. Việc dùng hẹ làm thực phẩm hay làm thuốc đều tốt vì đây là cây lành tính, không có độc.
Lợi ích sức khỏe của lá hẹ
Nhờ thành phần dinh dưỡng cao, lá hẹ tươi mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.
Giúp ngủ ngon, cải thiện tâm trạng
Trong thành phần của lá hẹ có chứa một một lượng nhỏ choline. Dưỡng chất này có công dụng giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào. Bên cạnh đó, choline còn có khả năng giúp chúng ta cải thiện được tâm trạng, ngủ ngon hơn; đồng thời cũng góp phần kiểm soát cơ bắp cùng những chức năng khác do cơ quan não và hệ thần kinh đảm nhiệm.
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Theo nghiên cứu, lá hẹ có khả năng hỗ trợ phòng chống một số bệnh ung thư nhờ vào các hợp chất (lưu huỳnh) có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư ra khắp cơ thể. Đáng chú ý, bổ sung lá hẹ tươi đúng cách sẽ góp phần làm giảm thiểu nguy cơ phát triển căn ung thư vú ở chị em phụ nữ.
Cung cấp vitamin K dồi dào cho cơ thể
Trong lá hẹ tươi có chứa một lượng vitamin K dồi dào. Loại vitamin này giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của hệ xương cũng như quá trình đông máu của cơ thể.
Giải độc cơ thể
Lá hẹ có đặc tính lợi tiểu, kháng khuẩn cũng như có khả năng loại bỏ các gốc tự do nên việc chúng ta thường xuyên ăn hẹ sẽ góp phần hỗ trợ cho cơ thể loại bỏ nhanh chóng và dễ dàng các độc tố dư thừa ra bên ngoài.
Khi các chất độc được thanh lọc, chúng sẽ không có cơ hội để gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Một trong những tác dụng đáng chú ý của lá hẹ đó chính là khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, từ đó có thể ngăn ngừa, hạn chế tối đa tình trạng đầy bụng, khó tiêu, táo bón...
Bên cạnh đó, lá hẹ tươi còn giúp cơ thể chúng ta có thể loại bỏ nhiều loại vi khuẩn có hại đối với hệ tiêu hóa. Nhờ đó, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm của đường ruột cũng được tăng cường, thức ăn sẽ được tiêu thụ một cách tối ưu.
Cải thiện tình trạng chán ăn
Lá hẹ có tác dụng gì thì cải thiện tình trạng chán ăn là công dụng gây bất ngờ từ lá hẹ. Theo đó, ăn lá hẹ sẽ giúp kích thích khẩu vị, khiến bạn có cảm giác ăn ngon miệng hơn, tình trạng chán ăn nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.
Tốt cho thị lực
Lá hẹ có khả năng giúp ngăn ngừa, hạn chế bệnh đục thủy tinh thể, bệnh thoái hóa điểm vàng. Nhờ tác dụng này của lá hẹ, thị lực của bạn sẽ được khỏe mạnh hơn.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Như đã nói bên trên, hàm lượng vitamin C trong lá hẹ rất cao, do đó nếu bạn thường xuyên ăn hẹ sẽ giúp cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C dồi dào, từ đó cũng góp phần làm tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Khi hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ cơ thể chống lại cũng như tiêu diệt vi rút, vi khuẩn khi chúng xâm nhập, tấn công cơ thể.
Kháng viêm
Tác dụng kháng viêm của lá hẹ có được là nhờ vào sự hiện diện của allicin. Chất này có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm rất tốt, đồng thời hỗ trợ nhanh lành vết thương hơn, đặc biệt là vết thương ngoài da.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Allicin, quercetin... là các hợp chất hữu cơ hiện diện trong thành phần của lá hẹ, có khả năng làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể. Nhờ đó, thành mạch sẽ được khỏe mạnh hơn, bơm máu về tim tốt hơn; đồng thời còn giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ, đau tim...
Cải thiện trí nhớ
Trong thành phần của lá hẹ có choline và folate - hai dưỡng chất thiết yếu có tác dụng hỗ trợ cải thiện chức năng não bộ. Chỉ cần chúng ta bổ sung lá hẹ đúng cách, khoa học vào chế độ ăn uống của người lớn tuổi sẽ giúp cải thiện tình trạng mất trí nhớ ở nhóm đối tượng này.
Các bài thuốc từ lá hẹ
Ho khò khè ở trẻ em: Lá hẹ hấp cơm lấy nước cho trẻ uống.
Rôm sẩy: Rễ hẹ 60g sắc nước uống.
Cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ 250 g, gừng tươi 25 g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.
Táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5 g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần. Để phòng táo bón, hàng sáng khi chưa ăn sáng, uống nước hẹ giã đã lọc bã.
Đái dầm, tiêu chảy lâu ngày ở trẻ em: Nấu cháo rễ hẹ. Rễ hẹ tươi 25 g, gạo 50 g, rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.
Đau răng: Lấy 1 nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
Đau họng: Lá và củ hẹ giã đắp lên cổ, băng lại, nhai củ cải, lá húng chanh và nuốt nước.
Hen suyễn: Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.
Ghẻ: Lá hẹ 50 g, rau cần 30 g, giã nát đắp lên chỗ tổn thương. Ngày 2 lần.
Giun kim: Rễ hẹ giã lấy nước cho uống.
Trĩ sưng đau: Một nắm to lá hẹ cho vào nồi đất cùng với nước, dùng lá chuối bịt kín nồi, đun đến khi sôi thì nhấc xuống, chọc một lỗ thủng trên lá chuối cho hơi bay lên để xông trĩ. Khi thấy hết hơi bay lên thì đổ hẹ ra chậu ngâm rửa hậu môn. Còn có cách giã nhuyễn lá hẹ cho vào chậu, rồi ngồi và để trực tiếp trĩ lên lá hẹ.
Viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh: Lá hẹ 250 g, gừng tươi 25 g. Tất cả thái vụn, giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống nóng.
Đái tháo đường: Củ hẹ 150 g, thịt sò 100 g. Nấu chín, nêm gia vị, ăn thường xuyên. Trường hợp ra mồ hôi trộm dùng món này cũng tốt.
Gan nhiễm mỡ ở người béo phì: Hải đới 100 g ngâm nước cho nở, cắt sợi. Lá hẹ 200 g cắt đoạn dài, cùng nhúng nước sau 5 phút vớt ra. Cho tỏi giã nhuyễn, dấm, dầu vừng,tương và một ít đường trộn đều. Ăn hàng ngày và kéo dài trong một tháng.
Bế kinh: Hạt hẹ 10g, hạt dành dành 10 g, sắc nước uống ngày 2 lần. Hoặc lá hẹ 250g giã lấy nước hòa với đường đỏ, đun sôi để uống.
Trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm: 0,5kg rau hẹ tươi giã lấy nước, uống ngày 2 lần trong một tuần.
Đau lưng, gối, tiểu tiện nhiều, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm: Ăn những món như: cháo hẹ, rau hẹ xào lươn, rau hẹ xào tôm nõn, hẹ xào...
Chữa đi tiểu nhiều lần: Lá hẹ, cây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử, lượng bằng nhau. Phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6 g. Ngày uống 2 lần với nước ấm. Hoặc lá hẹ 30 g, phúc bồn tử 1,5 g, dây tơ hồng xanh 20 g. Sấy khô tán bột hoàn viên. Dùng mỗi lần 3 g, ngày 3 lần.
Lưu ý: Lá hẹ khá lành tính, song, việc tiêu thụ chúng phải đúng cách, tránh lạm dụng. Bạn chỉ nên tiêu thụ lá hẹ với một lượng vừa phải, nếu không sẽ dễ gặp phải tình trạng khó tiêu. Đối với những người có tiền sử bị dị ứng với hành tây, tỏi thì nên chú ý vì nhiều khả năng bản thân cũng có thể gặp phải phản ứng dị ứng khi ăn hẹ.
Ngoài ra, các món ăn có rau lá hẹ bạn chỉ nên ăn hết sau khi chế biến, tuyệt đối không để qua đêm vì nếu không sẽ rất dễ bị ngộ độc.