Kinh tế Việt Nam vẫn khởi sắc khi kinh tế Châu Á suy giảm

30/07/2022 10:30

Trong thông cáo báo chí phát đi từ Manila (Philippine) vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay, triển vọng này thấp hơn so với mức dự báo tháng 4 năm 2022 là 5,2%. Cùng với tăng trưởng suy giảm, ADB đã nâng mức dự báo lạm phát khu vực từ 3,7% lên 4,2%.

Xu thế kinh tế khu vực từ dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng 4,0%, thay vì mức 5,0% theo dự báo trước đây. ADB cũng hạ triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ, từ 7,5% xuống còn 7,2% trong bối cảnh lạm phát cao hơn dự kiến và thắt chặt tiền tệ. Trong đà suy giảm chung, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương giảm xuống chỉ còn 4,6%.

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực, với quyết tâm phục hồi và phát triển để hoàn thành tốt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Do dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường, ADB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.

Tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sản xuất chế tạo phục hồi nhanh hơn dự kiến,thương mại tiếp tục mở rộng cùng với đi lại được phục hồi và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tuy giá dầu đẩy tăng lạm phát song nhờ nguồn cung lương thực dồi dào đã giúp Việt Nam giảm nhẹ lạm phát với dự báo không thay đổi so với mức ADB đã công bố trong tháng 4, ở 3,8% trong năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

null

Từ nguồn tài liệu của Tổng cục Thống kê có thể nhận thấy: “Sản xuất kinh doanh trên đà phục hồi; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tích cực, ngành công nghiệp có sự phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt quy mô gần 3.000 tỷ đồng;nhu cầu đi lại tăng cao, giao thông vận tải phục hồi mạnh mẽ.

Mở cửa du lịch với nhiều đường bay được khôi phục, khách quốc tế đạt 602 nghìn lượt người, Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 371,17 tỷ USD; cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, Trong điều kiện khó khăn, vốn đầu tư thực hiện của toàn xã hội vẫn tăng 9,6%; riêng vốn FDI thực hiện đạt 10 tỷ USD là mức cao nhất  so với cùng kỳ của 5 năm gần đây Cùng với khởi sắc kinh tế, về mặt xã hội, số người có việc làm và thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động đều đã gia tăng”.

Thực trạng kinh tế nửa đầu năm 2022 từ góc nhìn thống kê

Trong báo cáo điểm sáng về tình hình kinh tế -xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết:

“Về hoạt động sản xuất kinh doanh”, nhìn chung, nửa đầu năm 2022 sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Tăng trưởng 6 tháng so với cùng kỳ tăng khá, đạt 6,42%. Trong đó, GDP quý II tăng 7,72%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Kết quả này đã tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của cả năm 2022.

Trong tăng trưởng chung của nền kinh tế, nông, lâm thủy sản tạo sự ổn định xã hội trước những biến động toàn cầu, có mức  tăng 2,78% và  đóng góp 5,07% vào tăng GDP của cả nước. Khu vực công nghiệp và xây dựng là nòng cột của tăng trưởng, tăng 7,70%, đóng góp 48,33% vào mức tăng GDP.

Trong sản xuất nông, lâm và thủy sản, sản lượng cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định, khai thác gỗ , nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu liên tục  gia tăng. Sản lượng thu hoạch nửa đầu năm 2022 của cây lâu năm tăng khá, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nên người dân tích cực chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng.

Do kiểm soát tốt dịch bệnh, người chăn nuôi chủ động nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao, chăn nuôi lợn và gia cầm đã hồi phục.

Đối với sản xuất công nghiệp, nhờ hoạt động doanh nghiệp được duy trì và phục hồi tốt, 6 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP*) nửa đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (*IIP là chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp hàng năm. Chỉ số này được tính dựa trên khối lượng sản phẩm sản xuất, còn  gọi là “chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp”.)

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Như sản xuất trang phục tăng 23,3%; thiết bị điện tăng 22,2%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có cùng mức tăng 11,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2022 đạt quy mô 2.717 nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng11,7%, cao hơn cùng kỳ trong vòng 5 năm gần đây; tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 là năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Do đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại và du lịch tăng cao, vận tải hành khách và hàng hóa trong tháng 6 năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ. Vận chuyển hành khách trong tháng 6/2022 tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển. Tính chung nửa đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách tăng 15,2%; còn vận chuyển hàng hóa cũng tăng 8,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 16%.

Nhờ mở cửa du lịch và nhiều đường bay được khôi phục trở lại, lượng khách quốc tế đến trong tháng 6/2022 tăng 36,8% so với tháng trước và cao gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước  Tính chung nửa đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với vận tải và du lịch hồi phục trở lại, hoạt động xuất, nhập khẩu gia tăng khá với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu cân đối giúp cán cân thương mại nhứng tháng đầu năm 2022 đã có xuất siêu trên 710 triệu USD.

Phân tích tình hình kinh tế xã hội, giới nghiên cứu nhận thấy nhờ chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và hiệu quả nên tạo được niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước và tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt trên 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%. Nếu tính cả số doanh nghiệp trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia vào thị trường đạt 116,9 nghìn, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giá hiện hành, tống vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội trong nửa đầu năm 2022 tăng 9,6%; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao nhất so cùng kỳ những năm 2018-2022. Thực tế này cũng tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của năm 2022. Vốn đầu tư FDI thực hiện nửa đầu năm 2022 lên 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm gần đây.

Trong ổn định vĩ mô của nền kinh tế, các nhà phân tích rất quan tâm đến khả năng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Những tiêu chí này trong nửa đầu năm 2022 đã có những cải thiện rõ rệt. Lạm phát trong nền kinh tế được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,25%.

Theo Tổng cục Thống kê Nhà nước, gói hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tiếp tục được thực hiện với tác động tích cực. Dữ liệu phân tích cho thấy, số lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt 7,4 triệu đồng, tăng 416,9 nghìn đồng/tháng. Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ giải ngân hơn 43,5 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 36,7 triệu lượt người và gần 381,7 nghìn hộ và đơn vị sản xuất kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP đã hỗ trợ gần 38,4 nghìn tỷ đồng cho gần 13 triệu lượt lao động và gần 346,7 nghìn đơn vị kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được triển khai với mức hỗ trợ 14,1 tỷ đồng cho 25.660 lao động của 487 đơn vị sử dụng lao động.

Thay cho lời kết

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực còn nhiều bất ổn, 6 tháng đầu năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có những khởi sắc.  Mặc dù còn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức do hệ lụy của dịch COVID-19  cùng với ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine , song với ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt và kịp thời . Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội đã có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực với mức tăng trưởng được các tổ chức quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều; đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường; ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh các cấp, ngành và địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà phải theo dõi chặt chẽ, chủ động; có phương án ứng phó, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Cần phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Hy vọng từ ý chí đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Chính phủ đất nước ta sẽ sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn lên trở thành nước có thu nhập cao./.

Lê Thành