Chuyện lạ giao đất ở Bình Dương
Sau thời gian phát triển “nóng” của khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Bình Dương giờ đây xuất hiện những sóng ngầm thu gom lại quỹ đất sản xuất rộng lớn này, do có vị trí giao thông thuận lợi, tiềm năng có thể trở thành những khu đô thị nghìn tỉ.
Giới đầu tư bất động sản đang râm ran về những phi vụ thâu tóm hàng chục hecta đất của nhóm doanh nghiệp liên quan tới bà Phạm Thị Hường, hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Phong, Chủ tịch HĐQT tại Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam.
Ba doanh nghiệp tư nhân này cùng đăng kí trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Được biết, từ năm 2015 đến nay, nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định giao đất ít nhất 17 lần để làm các dự án nhà ở thương mại. Chỉ trong vòng ba năm (năm 2017-2019), nhóm này đã được giao tới 500.000m2 đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đô thị để làm dự án dưới dạng phân lô bán nền. Đây là thời điểm Bình Dương đề xuất thành lập TP Thuận An và TP Dĩ An (Quốc hội ra Nghị quyết chấp thuận vào cuối tháng 1/2020) khiến cho thị trường đất đai “sốt” sình sịch, giá đất tăng chóng mặt...
Có thể kể đến loạt 10 dự án khu nhà ở thương mại gắn với tên “Phú Hồng Thịnh” đã được UBND tỉnh Bình Dương giao tổng cộng 26,48 hecta đất, và cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị. Sau đó, doanh nghiệp đã “hô biến” thành hơn 1.900 lô đất nền.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục ban hành các quyết định khá “lạ” về thu hồi đất của nhiều doanh nghiệp khác, đồng thời giao lại đất và cho phép nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại.
Đơn cử, theo quyết định 01/QĐ-UBND ngày 2/1/2018, Bình Dương thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận công trình của Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Ý Mỹ, cho phép Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được chuyển đổi 72.994,6m2 đất để làm dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VIII. Trong đó, có 44.682,5m2 đất được chuyển đổi mục đích thành đất ở với hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao 26.399,5m2 đất không thu tiền sử dụng đất, 1.912,6m2 đất cho thuê đất trả tiền một lần để làm đất giáo dục.
Khu đất này đã được phân thành 658 lô đất nền, cấp sổ đỏ với thời hạn sử dụng 50 năm và rao bán rầm rộ trên thị trường. Với mức giá bán từ 20-26 triệu đồng/m2, thì ước tính tổng giá trị thu từ bán đất dự án này không dưới 1.000 tỉ đồng.
Có dự án khu nhà ở thương mại Phú Gia Huy còn được tỉnh Bình Dương cho phép chuyển đổi phần đất nhà ở xã hội thành đất ở liền kề vào đầu năm 2019, sau khi đã tách được sổ đỏ từng lô đất.
Tương tự, nhiều dự án nhà ở thương mại gắn tên Phú Hồng Lộc, Phú Gia Huy, Phú Vinh, Phú Huy, Phú Hồng Đạt, Phú Hồng Phát, Phú Uy Khang… cũng được giao đất và cho phép chuyển đổi thành đất ở đô thị với tiến độ "thần tốc" trong giai đoạn 2018-2019. Nhờ đó, các công ty này lập tức phân thành hàng trăm lô đất nền mỗi dự án, tiến hành mở bán thu tiền.
Thậm chí, Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land thành lập ngày 4/10/2018, có cùng địa chỉ với 3 công ty của bà Hường, đã được UBND tỉnh Bình Dương giao 0,67 ha đất chỉ sau vài tháng ra đời. Đến tháng 3/2020, tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị để xây Khu chung cư cao cấp Phú Hồng Thịnh tại phường An Phú, TP Thuận An theo quyết định số 739/QĐ-UBND.
Nghi vấn thất thoát ngân sách Nhà nước nghìn tỉ?
Điều bất ngờ là hàng chục hecta đất sản xuất, đất nông nghiệp có diện tích lớn, vị trí đắc địa tại trung tâm Bình Dương được giao cho nhóm doanh nghiệp tư nhân của bà Phạm Thị Hường để làm dự án nhà ở thương mại mà không qua đấu giá, đấu thầu.
Theo quyết định 939/QĐ-UBND ngày 12/4/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi khu đất có diện tích 51.466m2 theo 2 giấy chứng nhận sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất của CTCP Vật tư Thiết bị và Xây dựng Công trình 624. Đồng thời, tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được sử dụng khu đất 53.584,7m2 tại đây để làm dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10.
Chưa rõ, phần đất “dôi” ra hơn 2.118,7m2 trong quyết định này được Bình Dương lấy ở đâu và giao nốt cho doanh nghiệp này sử dụng làm dự án? Trong đó, có 26.897,8m2 là đất ở đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; 6.597,9m2 đất thuê trả tiền một lần, khoảng 19.671,2m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất… Ngoài ra, còn 417,8m2 đất thuộc hành lang an toàn đường bộ mà công ty cũng được quản lý, sử dụng.
Thế nhưng, căn cứ Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, doanh nghiệp muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải tuân theo hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Hơn nữa, Điều 22 và 23 Luật Nhà ở 2014 quy định muốn xây nhà ở thương mại để bán, chủ đầu tư phải “sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng”, hoặc “nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng”.
Do đó, tất cả các dự án xây nhà ở thương mại của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh và bà Phạm Thị Hường đều không có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, không nhận đất thông qua phương thức Nhà nước đấu giá đất…
Hơn nữa, nhiều lô đất công thuộc quản lý của UBND các phường Bình Chuẩn và Bình An cũng âm thầm được giao cho doanh nghiệp tư nhân xây nhà ở thương mại, không thông qua đấu giá.
Những điều này làm dấy lên nghi vấn tỉnh Bình Dương có “ưu ái” giao quỹ đất rộng lớn, có giá trị thương mại cao cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, bất chấp vi phạm quy định quản lý đất đai, nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng không?