Hà Nội: tổng mức bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021

31/07/2022 11:30

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 3,78% so với tháng 12/2021 và tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê tình hình kinh tế của Hà Nội trong 7 tháng của năm 2022, so với cùng kỳ năm trước có dấu hiệu tăng. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%; có 17,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 9.842 triệu USD, tăng 17,2%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,38%. Riêng CPI tháng 7 tăng 0,61% so với tháng trước.

null
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022. Đồ họa: Cục Thống kê Hà Nội.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, trong đó 6 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

1-hang-hoa-qua-1659269294.jpg
Một gian hàng bán lẻ mặt hàng hoa quả tại Hà Nội (Ảnh: Huyền Thương).

Theo Cục Thống kê Hà Nội, nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 là do thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

Huyền Thương