Sáng 13/7, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đến dự, chỉ đạo hội nghị.
Tiềm ẩn những nguy cơ và diễn biến phức tạp về hàng lậu, gian lận thương mại
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ, xử phạt hành chính 9.428 vụ, khởi tố 73 vụ với 106 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 1.475 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 338 vụ, gian lận thương mại 7.615 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 1.145 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố nhận định, trong những tháng đầu năm 2022, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình vận chuyển hành khách qua đường hàng không có giảm, lượng hành khách xuất nhập cảnh không có do ngừng chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không vẫn tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.
Các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược… Trong đó, mặt hàng ma túy được giấu trong hàng hóa gửi về Hà Nội bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các cảng ICD Mỹ Đình, Gia Lâm…
Tại thị trường nội địa, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lập không có hóa đơn chứng từ vẫn diễn biến phức tạp. Hàng lậu thường được các đối tượng vận chuyển, cất giữ bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như chia nhỏ, vận chuyển hàng lậu thành nhiều đợt; thuê các địa điểm như nhà kho, khu chung cư, các nơi hẻo lánh ít người qua lại để làm nơi tập kết hàng hóa.
Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao như: rượu, bia, thuốc lá, quần áo, giày dép,…
Các cơ quan chức năng đánh giá, trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, chưa bao giờ là dễ dàng khi vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng hoạt động thương mại điện tử các đối tượng rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan thuế, hải quan và các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vụ việc chưa cao.
Buôn lậu trên thị trường thương mại điện tử
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – đánh giá, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng. Các đối tượng thường xuyên dùng các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… để bán hàng lậu như: Kit test nhanh Covid-19, thuốc điều trị Covid-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Công an thành phố đã phát hiện 60 nhóm kín, gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.
Nguy cơ buôn bán hàng lậu trên mạng xã hội là rất cao và gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Việc sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng, do vậy ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường kiểm soát chặt từ cửa khẩu biên giới, các ga hàng không, đường sắt… đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ hàng hóa có nguồn gốc chứng từ ngay từ khi nhập khẩu, không chấp nhận việc ghi giá thấp hơn thực tế để đối phó với lực lượng thực thi công vụ. Đối với việc kinh doanh kho tàng, bến bãi cần tăng cường trong việc cấp phép, có chế tài khi phát hiện tại kho có hàng vi phạm.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội – đánh giá, hiện nay, việc kiểm soát kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... đang là vấn đề khó khăn đối với lực lượng chức năng do các đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, chốt đơn và kho hàng đặt tại các khu vực khác nhau.
Không chỉ kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều đối tượng từ nước ngoài đưa hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam để quảng bá và chào hàng trên các trang mạng xã hội. Có nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của hàng hóa, nhất là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; các sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19… điều này ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Đề ra nhiệm vụ chống buôn lậu trong 6 tháng cuối năm
Các cơ quan chức năng nhận định, 6 tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao; đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 là khoảng thời gian để các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường; đặc biệt là hoạt động kinh doanh hàng hoá qua thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố - đề nghị, các sở, ngành chức năng thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình trạng hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
“Đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu.
Thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.