Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 75,89 USD/thùng, giảm 0,08%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 82,10 USD/thùng, giảm 0,89% vào lúc 6h40 ngày 3/2 theo giờ Việt Nam.
Ngày 1/2, OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ cũng đã giúp thị trường giảm bớt lo ngại về dư thừa nguồn cung.
Tuần trước, EC đã đề xuất rằng từ 5/2, EU sẽ áp đặt mức giá trần là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.
Hãng tin Reuters dẫn lời ba nhà ngoại giao cho biết mức giá trần phải được toàn bộ 27 thành viên EU thông qua. Do đó đại diện các nước sẽ nhóm họp vào ngày 3/2 để đạt được một thỏa thuận.
Ngày 1/2, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, trả lời trước báo giới tại Ottawa đã nhắc lại ràng ông ủng hộ mức giá trần của EU và không hy vọng đề xuất này sẽ gặp phải vấn đề hay gián đoạn lớn nào.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 3/2 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92 không cao hơn 22.342 đồng/lít
- Xăng RON 95 không cao hơn 23.044 đồng/lít
- Dầu điêzen 0.05S:không cao hơn 22.521 đồng/lít
- Dầu hỏa không cao hơn 22.577 đồng/lít
- Dầu mazút không cao hơn 13.930 đồng/kg.