Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 88,88 USD/thùng, giảm 1,24%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 95,56 USD/thùng, tăng 0,96% vào lúc 6h26 ngày 3/11 theo giờ Việt Nam.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 28/10. Trong khi đó, các nhà phân tích của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dự báo dự trữ dầu thô sẽ tăng khoảng 400.000 thùng.
Cùng lúc đó, dự trữ xăng đã giảm nhiều hơn dự kiến, với mức giảm 2,6 triệu thùng so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 3/11 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92 không cao hơn 21.873 đồng/lít
- Xăng RON 95 không cao hơn 22.756 đồng/lít.
- Dầu điêzen 0.05S:không cao hơn 25.070 đồng/lít
- Dầu hỏa không cao hơn 23.783 đồng/lít
- Dầu mazut không cao hơn 14.082 đồng/kg.
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu nguyên liệu dầu thô để phục vụ hoạt động sản xuất xăng dầu thành phẩm của hai Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Vì vậy, các vấn đề trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới biến động nhiều và mạnh.
Nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong quý II), từ quý III giá lại giảm liên tục. Do thua lỗ, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu khẩn trương xem xét xuất dự trữ thương mại để đáp ứng nhu cầu cho hệ thống, ứng cứu cho địa bàn thiếu xăng dầu cục bộ hiện nay.